Cục Tần số Vô tuyến điện (Bộ Thông tin và Truyền thông) vừa tiến hành đo đạc, khảo sát chất lượng anten thu truyền hình số mặt đất đang lưu hành trên thị trường. Kết quả khảo sát cho thấy, nhiều mẫu anten không đảm bảo chất lượng, vì vậy khi chuyển đổi sang truyền hình số mặt đất, nhiều hộ sẽ không thể xem tivi.
Mua anten kém chất lượng – Khó thu được truyền hình số
Theo quy chuẩn quốc gia về chất lượng tín hiệu truyền hình số mặt đất DVB-T2, khả năng khuếch đại sóng của anten thu truyền hình số mặt đất là 11dBi. Tuy nhiên, kết quả khảo sát 6 mẫu anten trên thị trường cho thấy, không có anten nào đáp ứng được yêu cầu này.
Sáu mẫu anten được Cục Tần số Vô tuyến điện lấy ngẫu nhiên trên thị trường gồm 3 anten UHF thu ngoài trời 40 chấn tử, 17 chấn tử, 11 chấn tử, 3 loại anten UHF thu trong nhà. Với nhóm anten thu ngoài trời có khả năng khuếch đại cao nhất là UHF 40 chấn tử với giá trị 10 dBi nhưng chỉ trong một dải tần số hẹp nhất định. Tại các tần số khác, khả năng khuếch đại sóng thấp và không đồng đều. Hai anten ngoài trời còn lại có độ khuếch đại sóng từ 4 đến 10 dBi nhưng khả năng khuếch đại sóng ở các tần số cũng khác nhau. Riêng nhóm anten thu trong nhà có khả năng khuếch đại sóng rất thấp, dao động từ 0 đến 4 dBi, cá biệt, anten râu có bộ khuếch đại chỉ đạt tăng ích có khả năng là -10dBi, mức này quá thấp, không đảm bảo thu xem truyền hình mặt đất trong nhà.
Khi thực hiện chuyển đổi sang truyền hình số mặt đất, nếu như anten kém chất lượng thì không thể xem được truyền hình. Theo ông Nguyễn Hồng Tuấn, Thường trực Văn phòng Ban chỉ đạo đề án số hoá truyền hình, với truyền hình analog, anten không đảm bảo chất lượng, người xem vẫn có thể nhìn thấy hình dù muỗi nhưng với truyền hình số, anten không đảm bảo thì không thể thu được hình. Vì vậy, khi chuyển đổi hết sang truyền hình số mặt đất, nếu không đảm bảo được chất lượng anten thì nhiều gia đình sẽ không thể xem tivi.
Cần có tiêu chuẩn
Ngoài sáu mẫu anten được lấy trên thị trường, theo khảo sát của phóng viên, anten trên thị trường hiện nay rất đa dạng. Tai một cửa hàng điện tử trên phố Thịnh Yên (Hà Nội) có nhiều loại anten thu truyền hình số mặt đất, phổ biến là anten hình đuôi cá, thu sóng trong nhà có giá 150 nghìn đồng, có nguồn gốc Trung Quốc và giá trị khuếch đại sóng là 6-9 dBi. Một vài loại anten thu sóng ngoài trời không ghi rõ nguồn gốc, xuất xứ và thông số kỹ thuật được bán với giá 70 nghìn đồng trở lên. Các sản phẩm này đều không có bảo hành.
Đáng nói, khi mua các sản phẩm kể trên, người dân không thể phân biệt anten tốt hay anten kém chất lượng không bằng mắt thường. Ông Nguyễn Hồng Tuấn cho hay: Muốn biết anten có thu được sóng hay không, phải sử dụng các thiết bị đo chuyên dụng của cơ quan chức năng. Vì vậy, người dân rất bị động khi mua sản phẩm này. Hiện, việc quản lý chất lượng anten trên thị trường gần như thả lỏng, các nhà sản xuất không bị yêu cầu phải sản xuất theo một quy chuẩn nào cả.
Trước việc chuyển đổi từ truyền hình analog sang truyền hình số mặt đất sắp diễn ra, nhiều địa phương kiến nghị phải tìm biện pháp nâng cao chất lượng anten bán trên thị trường để tránh tình trạng chuyển sang truyền hình số mặt đất, người dân không thể xem tivi.
Ông Tuấn cho biết, Tiểu ban giúp việc Ban chỉ đạo đề án số hóa truyền hình đã họp và yêu cầu các nhà sản xuất anten thu truyền hình cần cải thiện tính năng của các mẫu anten, đo đạc và công bố chất lượng để người dân phân biệt với các mẫu anten trôi nổi, không rõ xuất xứ, không đảm bảo chất lượng đang bán trên thị trường.
Theo lộ trình số hóa truyền hình (chuyển từ truyền hình analog sang truyền hình số mặt đất) từ ngày 1/7/2015, Đà Nẵng và bắc Quảng Nam sẽ chuyển đổi. Ngày 31/12/2015 Hà Nội, TPHCM, Cần Thơ, Hải Phòng cũng sẽ chuyển đổi. Các địa phương khác sẽ chuyển đổi từ năm 2016 đến 2020.
Theo Tiền Phong