Tắt sóng truyền hình tương tự, người dân Hà Nội xem truyền hình thế nào?

Tắt sóng truyền hình tương tự, người dân Hà Nội xem truyền hình thế nào?

Trước thông tin vào ngày mai (15/6/2016), nhiều kênh truyền hình tương tự tại 4 thành phố lớn gồm Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng và Cần Thơ sẽ bị ngừng phát sóng, nhiều người dân đặt câu hỏi: không biết sau thời điểm đó, họ sẽ xem được những kênh gì và liệu sau này họ sẽ phải làm gì để vẫn xem được những kênh truyền hình giải trí yêu thích?

Các tivi loại quá cũ như thế này chỉ cần mua thêm đầu thu kỹ thuật số chuẩn DVB -T2 hoặc sử dụng các dịch vụ truyền hình trả tiền thì có tắt sóng anolog cũng không bị ảnh hưởng gì.

Những kênh nào sẽ ngừng phát sóng?

 

Theo công văn của Bộ TT&TT ngày 7/6/2016 gửi Đài Truyền hình Việt Nam; Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC; Đài Phát thanh truyền hình Hà Nội; Đài Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh; Đài Phát thanh truyền hình Hải Phòng và Đài Phát thanh truyền hình Cần Thơ, Bộ TT&TT đã chỉ đạo ngừng phát sóng cụ thể một số kênh truyền hình tương tự tại các thành phố kể trên từ ngày 15/6/2016.

 

Cụ thể, kênh truyền hình tương tự VTV6, H2 và VTC9 tại Hà Nội bị ngừng phát sóng; thành phố Hồ Chí Minh ngừng phát sóng kênh VTV6, VTV9, VTC9, HTV7 và tại Cần Thơ, các kênh VTV Cần Thơ 1, VTV Cần thơ 2 và VTC9 sẽ ngừng phát sóng. Tuy nhiên, một thành phố lớn còn lại cũng dự kiến tắt sóng trong giai đoạn 1 này là Hải Phòng thì tạm thời chưa tắt sóng mềm kênh nào trong đợt này. Với các kênh còn lại, người dân vẫn xem được bình thường.

 

Bên cạnh đó, tất cả các máy phát sóng truyền hình tương tự mặt đất của Đài truyền hình Việt Nam và Đài truyền hình kỹ thuật số VTC đặt tại tỉnh Bình Dương và phát các kênh chương trình VTV6, VTV9, VTC9 phủ sóng địa bàn TP.HCM cũng phải ngừng hoạt động kể từ ngày 15/6/2016.

 

Tiếp đó, vào ngày 15/8/2016, tại 4 thành phố trực thuộc Trung ương gồm Hà Nội, TP.HCM, Cần Thơ và Hải Phòng, các kênh truyền hình tương tự sẽ bị tắt sóng hoàn toàn. Tất cả các máy phát sóng các kênh truyền hình tương tự mặt đất còn lại của Đài Truyền hình Việt Nam và Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC đặt tại tỉnh Bình Dương phủ sóng địa bàn thành phố Hồ Chí Minh phải ngừng hoạt động kể từ ngày 15/8/2016.

 

Với việc tắt sóng analog tại 4 thành phố lớn nêu trên vào ngày 15/8, sẽ có 19 tỉnh lân cận của 4 thành phố này bị ảnh hưởng, gồm Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Giang, Hà Nam, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Hòa Bình, Vĩnh Long, Hậu Giang Bình Dương, Đồng Tháp, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Kiên Giang, Đồng Nai và Long An. Như vậy, ước tính sẽ có khoảng 50% dân số nằm trong vùng số hóa truyền hình của giai đoạn 1.

 
Người dân không cần quá lo lắng

 

Đề án Số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ cuối năm 2011. Đây được coi là xu hướng tất yếu để truyền hình Việt Nam bắt kịp thế giới. Đợt tắt sóng lần này được coi là có tính chất quyết định tới sự thành công của Đề án số hóa truyền hình vì có tới 23 tỉnh, thành ở hai khu vực đồng bằng có số lượng dân cư đông nhất sẽ về đích sớm so với kế hoạch ban đầu đặt ra.

 

Bên cạnh việc người dân tự trang bị phương tiện thu sóng truyền hình chuyển đổi theo công nghệ số, Nhà nước cũng đang có kế hoạch hỗ trợ cho các hộ dân là những hộ nghèo, hộ cận nghèo thiết bị đầu thu Set-top-box để xem được chương trình truyền hình khi chuyển đổi số hóa truyền hình mặt đất. Để hỗ trợ người dân tối đa trước và trong thời gian chuyển đổi, Bộ TT&TT đã chuẩn bị các nội dung tuyên truyền, hướng dẫn, cung cấp thông tin về Đề án một cách kịp thời. Người dân có thể truy cập vào Cổng thông tin Số hóa truyền hình mặt đất tại http://www.mic.gov.vn/shth/Pages/trangchu.aspx để nắm bắt thông tin hoặc gọi tới Tổng đài 0511 1022.

 

Do đó, người dân không nên hoang mang về việc các kênh truyền hình tương tự sẽ bị ngừng phát sóng. Bởi vì để xem được truyền hình các hộ dân chỉ cần mua đầu thu kỹ thuật số đạt chuẩn hay đăng ký sử dụng các dịch vụ truyền hình trả tiền hoặc mua ti vi mới đã được tích hợp đầu thu kỹ thuật số.

 

Cụ thể, đối với những hộ dân đang dùng tivi chưa tích hợp DVB – T2 nếu không có điều kiện mua Tivi mới thì có thể mua đầu thu kỹ thuật số chuẩn DVB – T2. Các đầu thu DVB – T2 hiện có giá khá rẻ chỉ khoảng từ vài trăm nghìn đồng đến hơn 1 triệu đồng là có thể xem các kênh truyền hình bình thường. Lưu ý các hộ gia đình không nên mua đầu thu truyền hình số theo chuẩn cũ DVB T, vì chỉ trong một thời gian ngắn nữa, đầu thu loại này sẽ không dùng được và khi đó, người dân sẽ phải mua đầu thu mới. Điều này sẽ gây lãng phí tiền của.

 

Còn đối với những hộ dân đang có ý định mua tivi mới thì nên chú ý lựa chọn các tivi tích hợp đầu thu kỹ thuật số theo tiêu chuẩn DVB – T2/MPEG4. Hiện các thương hiệu tivi lớn như Samsung, Sony, LG… đều tuyên bố đã tích hợp đầu thu kỹ thuật số DVB – T2 vào các dòng TV đời từ 2014. Với các loại tivi này, người dân có thể xem truyền hình mà không cần đầu thu kỹ thuật số và cũng không phải trả phí hàng tháng, với số lượng khoảng 30-40 kênh trong nước.

Chia sẻ:

Quét mã để tải
SDTV app