Số hóa truyền hình: Cơ hội và thách thức của các đài địa phương

Số hóa truyền hình: Cơ hội và thách thức của các đài địa phương

Theo Đề án số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất, đến hết năm 2020, cả nước sẽ hoàn tất chuyển đổi hạ tầng truyền dẫn phát sóng truyền hình từ công nghệ tương tự (analog) sang công nghệ số (digital). Cũng năm 2020, theo Đề án Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí, các đài truyền hình địa phương phải tự chủ về tài chính. Với 2 cột mốc quan trọng đó, trong 5 năm tới là quãng thời gian “chạy đua” của các đài truyền hình địa phương để biến thách thức thành cơ hội.

Người tiêu dùng cần lựa chọn tivi theo chuẩn DVB-T2, có dán tem xác nhận (Ảnh minh họa)

Mô hình sử dụng chung hạ tầng truyền dẫn, phát sóng truyền hình

Một trong những điểm mới và cũng là ưu điểm của Đề án số hóa truyền hình mặt đất, là hướng đến việc tách biệt giữa 2 khâu sản xuất chương trình và truyền dẫn đồng thời công đoạn truyền dẫn, phát sóng sẽ do các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ đảm nhận (hiện cả 2 khâu xuất chương trình và truyền dẫn, phát sóng đều do từng đài đảm nhận). Điều đó vừa cho phép “hình thành và phát triển thị trường truyền dẫn, phát sóng truyền hình số mặt đất” đồng thời “tạo điều kiện để tổ chức và sắp xếp lại hệ thống các đài phát thanh, truyền hình (PTTH) trên phạm vi cả nước theo hướng chuyên môn hóa, chuyên nghiệp hóa” như  mục tiêu mà đề án đã đề ra. 

Theo ông Lê Văn Tuấn, Phó cục trưởng Cục Tần số vô tuyến điện, Bộ Thông tin – truyền thông, đây là mô hình rất mới đối với nước ta, mô hình này có nhiều ưu điểm về sử dụng chung, có hiệu quả hạ tầng truyền dẫn, phát sóng PTTH.

Theo đó, từ nay đến năm 2020, lần lượt các đài địa phương sẽ ngưng phát sóng analog và tập trung nhiệm vụ chủ yếu là sản xuất chương trình truyền hình. Lúc đó, chương trình của các đài truyền hình địa phương sẽ được phát sóng trên hạ tầng của doanh nghiệp truyền dẫn phát sóng toàn quốc hoặc của khu vực. Do mỗi hạ tầng truyền dẫn phát sóng sẽ có rất nhiều kênh chương trình của đài Trung ương và các tỉnh thành khác cùng phát sóng theo chuẩn kỹ thuật như nhau, khi đó sẽ diễn ra cạnh tranh mạnh mẽ về mặt nội dung giữa các đài truyền hình với nhau. Chương trình của đài nào hay hơn, hấp dẫn hơn sẽ được nhiều người xem và đồng nghĩa sẽ là nơi thu hút nhiều quảng cáo. 

Do đó, để thu hút khán giả, các đài truyền hình địa phương sẽ phải tập trung nâng cao chất lượng chương trình của mình để tăng tính cạnh tranh.

Các chuyên gia đã dự đoán, những năm tới sau khi kết thúc lộ trình số hóa truyền hình, bức tranh về thị trường quảng cáo sẽ có sự thay đổi. Đặc biệt, theo lộ trình của Đề án quy hoạch phát triển và quản lý báo chí, đến năm 2020, các đài truyền hình địa phương phải tự chủ về tài chính. Trong bối cảnh hiện cả nước có gần 200 kênh truyền hình (Trung ương, địa phương và xã hội hóa), thị trường quảng cáo ngày càng cạnh tranh khốc liệt và có dấu hiệu bão hòa, việc phải vừa phải bảo đảm định hướng tuyên truyền cho địa phương đồng thời phải tự chủ tài chính, được coi là thách thức rất lớn cho nhiều đài truyền hình địa phương hiện nay.

Đài PTTH Đồng Nai với lộ trình số hóa

Theo đề án đã đượcThủ tướng Chính phủ phê duyệt, Đồng Nai cùng với 25 tỉnh, thành khác nằm trong nhóm II sẽ phải chuyển từ truyền hình analog sang truyền hình số mặt đất trước ngày 31-12-2016. 

Có thể nói, Đồng Nai là một trong những địa phương đã sớm có sự chuẩn bị cho lộ trình chuyển đổi quan trọng này. Cụ thể, ngày 20-11- 2013, UBND tỉnh đã ban hành văn bản số 9947/KH-UBND về kế hoạch triển khai Đề án số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình giai đoạn 2013-2016 trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Kế hoạch nêu rõ mục tiêu: phát triển Đài PTTH Đồng Nai thành Đài mạnh trong khu vực và cả nước; sắp xếp lại bộ máy tổ chức theo hướng chuyên môn hóa, chuyên nghiệp hóa, hoạt động hiệu quả và phân định rõ hoạt động về nội dung thông tin với hoạt động về truyền dẫn phát sóng; Đài PTTH Đồng Nai phối hợp với Đài truyền hình Trung ương, Đài phát sóng khu vực phía Nam và các đơn vị liên quan sử dụng chung và tận dụng tối đa hạ tầng truyền dẫn phát sóng truyền hình tương tự như trụ anten, nhà đặt máy móc thiết bị… nhằm đảm bảo an toàn, an ninh phát sóng, không bị gián đoạn trong giai đoạn chuyển đổi, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho mọi người dân trong và ngoài tỉnh xem được kênh truyền hình Đồng Nai. Đến năm 2016, đảm bảo 100% các hộ gia đình có máy thu hình trên địa bàn tỉnh xem được truyền hình số bằng các phương thức khác nhau.

Để đảm bảo đạt mục tiêu cao nhất, kế hoạch của UBND tỉnh đã đề ra 5 nhóm giải pháp cụ thể về thông tin, tuyên truyền, về chủ động tạo lập thị trường, dịch vụ, chủ động về nhân sự – đào tạo, chủ động về công nghệ và tiêu chuẩn theo hướng phù hợp với sự phát triển bước đầu của hệ thống truyền hình cáp, đồng thời không bị lạc hậu trong tương lai phát triển truyền hình kỹ thuật số và các dịch vụ khác, đáp ứng được xu thế hội tụ công nghệ trên một hạ tầng truyền dẫn; giải pháp nâng cấp, tận dụng một số thiết bị cũ tại Đài và giải pháp về tài chính, trong đó có nội dung huy động  kinh phí hỗ trợ đầu thu cho các hộ nghèo.   

Một trong những thuận lợi của Đài PTTH Đồng Nai trong quá trình số hóa là đã chủ động xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, chuẩn hóa đội ngũ quay phim, kỹ thuật viên dựng hình, kỹ thuật viên mạng máy tính… phù hợp với sự phát triển công nghệ và thiết bị kỹ thuật số. Bên cạnh đó, từ năm 2010, Đài PTTH Đồng Nai đã ứng dụng dựng hình phi tuyến (kỹ thuật số) cho toàn bộ thiết bị dựng hình trong Đài. Đặc biệt, trong năm 2014, Trung tâm kỹ thuật PTTH Đồng Nai đã hoàn thành giai đoạn 1 với tổng kinh phí 213 tỷ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh. Đây là cơ sở để lãnh đạo tỉnh xem xét, tiếp tục đầu tư giai đoạn 2 của Trung tâm kỹ thuật PT-TH Đồng Nai về trang bị thiết bị kỹ thuật theo đúng lộ trình quy định.

Một thuận lợi khác, từ năm 2008 đến nay, thực hiện Nghị định số 43/NĐ-CP của Chính phủ, Đài PTTH Đồng Nai đã tự chủ về biên chế, tự cân đối thu chi, đảm bảo kinh phí hoạt động và làm nghĩa vụ nộp ngân sách Nhà nước. Đặc biệt, Quy hoạch phát triển PTTH tỉnh Đồng Nai đến năm 2020, định hướng năm 2030 do UBND tỉnh ban hành tháng 5-2015 sẽ là cơ sở Đài PTTH Đồng Nai phát triển theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, phục vụ hiệu quả cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của địa phương.

Theo Báo Lao động Đồng Nai

Chia sẻ:

Quét mã để tải
SDTV app