Sẽ tắt sóng truyền hình analog đúng thời hạn ở những tỉnh đã sẵn sàng

Sẽ tắt sóng truyền hình analog đúng thời hạn ở những tỉnh đã sẵn sàng

Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn yêu cầu, trong quý 4/2016, Cục Tần số vô tuyến điện tập trung triển khai giai đoạn 2 Đề án số hóa truyền hình. Các khu vực đã sẵn sàng tắt sóng truyền hình analog sẽ thực hiện đúng thời hạn. Còn những nơi cần giãn tiến độ thì phải báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Tại Hội nghị giao ban quản lý nhà nước Bộ TT&TT vào chiều ngày 5/10/2016, phát biểu chỉ đạo liên quan đến số hóa truyền hình, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn đã yêu cầu, trong quý 4/2016, Cục Tần số vô tuyến điện tập trung triển khai giai đoạn 2 Đề án số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình số mặt đất đến năm 2020. Các khu vực đã sẵn sàng tắt sóng truyền hình analog sẽ thực hiện đúng thời hạn. Còn các khu vực khác nếu chưa sẵn sàng phải giãn tiến độ thì phải có báo cáo trình lên Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Ông Đoàn Quang Hoan, Cục trưởng Cục Tần số Vô tuyến điện cho biết, Bộ TT&TT đã chỉ đạo tắt sóng truyền hình analog thành công ở 5 thành phố lớn, được người dân và dư luận đánh giá tốt, có nhiều yếu tố được đánh giá rất tốt. Đặc biệt là người dân tại 5 thành phố và 19 tỉnh đã thu xem được nhiều kênh truyền hình miễn phí chất lượng cao hơn trước rất nhiều. Dư luận và người dân cũng đánh giá cao chương trình hỗ trợ đầu thu truyền hình cho người nghèo do Bộ TT&TT triển khai.

Khi triển khai Đề án Số hóa truyền hình giai đoạn 2, ông Hoan cho hay, đã nổi lên rất nhiều vấn dề phát sinh đối với cả phần phát và phần thu, cả trong khâu triển khai từ phía Bộ TT&TT và địa phương. Tại cuộc họp Tiểu ban giúp việc vào ngày 30/9 vừa qua, các ý kiến thống nhất sẽ trình Ban chỉ đạo xem xét điều chỉnh thời gian tắt sóng truyền hình analog giai đoạn 2. Theo đó, đối với những tỉnh đã phủ sóng truyền hình số 100% và hỗ trợ đầu thu cho người dân sẽ cắt sóng truyền hình analog đúng thời hạn. Còn với những tỉnh chưa chuẩn bị kịp hệ thống phát sóng và bây giờ mới làm thủ tục mua sắm đầu thu, thời gian triển khai kéo dài hơn thì phải điểu chỉnh thời hạn tắt sóng truyền hình analog. Đồng thời, Tiểu ban giúp việc cũng bắt đầu khởi động nghiên cứu các vấn đề khi triển khai số hóa truyền hình giai đoạn 3.

Mới đây, Công ty CP Truyền dẫn phát sóng truyền hình đồng bằng Sông Hồng (RTB) và Công ty TNHH Truyền hình kỹ thuật số miền Nam (SDTV) đã kiến nghị Bộ TT&TT xem xét chia nhỏ lộ trình tắt sóng truyền hình số giai đoạn 2. Cụ thể, bà Lại Thị Bích, Ủy viên Hội đồng quản trị RTB cho rằng, nếu kéo dài thêm thời hạn tắt sóng truyền hình số ngày nào thì RTB sẽ khó khăn trong đàm phán ký hợp đồng phát sóng với các đài truyền hình thêm ngày đó. Vì nếu các đài vẫn còn phát sóng analog sẽ không có ngân sách để chi trả cho hợp đồng phát sóng số.

 

 

“Hiện tại RTB đã sẵn sàng phát sóng cho các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ ở giai đoạn 2, chỉ còn vướng mỗi phần hỗ trợ đầu thu truyền hình cho hộ nghèo, cận nghèo. Ở Hà Nội vừa qua chỉ cần 5 ngày là Bộ TT&TT hỗ trợ xong vậy cần có cách nào đó để hỗ trợ sớm đầu thu cho hộ nghèo. RTB đề nghị Bộ TT&TT cắt sóng truyền hình analog vào cuối tháng 12/2016 ngay, không nên kéo dài thêm. Vì nếu để hai hệ thống đều phát song song như hiện nay sẽ tốn điện, tốn nhân công”, bà Bích phát biểu.

Bà Bích cũng đưa ra phương án, cần chia nhỏ lộ trình tắt sóng giai đoạn 2 sẽ thuận lợi cho các doanh nghiệp phát sóng tận dụng hạ tầng đầu tư phát sóng. Địa phương nào sẵn sàng rồi thì có thể tắt sóng trước từ 31/12, các địa phương khác có thể thực hiện tắt sóng từ 31/3. Các doanh nghiệp phủ sóng sẽ cam kết với Bộ TT&TT đảm bảo phủ sóng theo lộ trình, thực hiện nghiêm túc và triệt để chủ trương sử dụng chung hạ tầng theo hướng dẫn của Bộ.

Có cùng ý kiến với bà Lại Thị Bích, ông Nguyễn Đức Hòa, Giám đốc công ty SDTV cho hay, cũng như RTB, để triển khai cung cấp dịch vụ doanh nghiệp phải chi phí đầu tư rất lớn. Hàng tháng phải chi trả lãi vay ngân hàng, chi phí truyền dẫn tín hiệu, chi phí vận hành. Ước tính trong vòng 10 năm doanh nghiệp mới có thể hoàn lại vốn đầu tư. Ở giai đoạn 1, SDTV đã thực hiện phát sóng trước cho các tỉnh trước khi tắt sóng, số lượng tỉnh ít có thể bao được, nhưng giai đoạn 2 số lượng tỉnh cắt sóng quá lớn khó có thể thực hiện được việc phát sóng miễn phí trước khi tắt sóng truyền hình analog.

Ông Hòa đồng tình với bà Bích về đề xuất cho chia nhỏ quá trình tắt sóng giai đoạn 2. Do đặc thù ở phía Nam chỉ 2 tỉnh có đồi núi nhiều nên SDTV đề xuất gộp giai đoạn 2 và giai đoạn 3 làm một. Khi phủ sóng số ở Tây Nam Bộ các tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau có thể phủ sóng một phần, hiện nay hai đài Cà Mau và Bạc Liêu đã ủng hộ đẩy nhanh tiến độ triển khai số hóa truyền hình, chính thức đề nghị SDTV phát sóng số DVB-T2 ngay từ giai đoạn 2.

Ông Hòa cho hay, trước khi số hóa truyền hình chỉ có một số đài ở phía Nam có nguồn thu từ quảng cáo lớn lo lắng tắt sóng analog ảnh hưởng tới nguồn thu quảng cáo. Nhưng sau khi tắt sóng giai đoạn 1, theo thông tin SDTV có được các đài chưa bị ảnh hưởng gì về quảng cáo. Đài PT-TH Đồng Nai đã thực hiện cắt sóng analog cách đây hơn 1 năm cũng không quan ngại về doanh thu quảng cáo. Do đó, việc của nhà nước và các doanh nghiệp truyền dẫn là phải làm thế nào để người dân tiếp cận với nguồn tín hiệu truyền hình số càng sớm càng tốt.

Theo Ictnews

 

Chia sẻ:

Quét mã để tải
SDTV app