Khảo sát mới đây của TNS cho thấy, số lượng người dân đang dùng truyền hình analog quảng bá chưa biết về số hóa truyền hình tại nhiều tỉnh miền Bắc còn ở mức rất cao. Nằm trong nhóm này có Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hà Nam, Hòa Bình, Hải Dương, Hải Phòng.
Số hóa truyền hình sẽ tác động lớn tới những người dân đang thu xem truyền hình quảng bá. Ảnh minh họa: Internet
Ông Lê Văn Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Tần số Vô tuyến điện cho biết, TNS đã khảo sát đánh giá về tác động của công tác tuyên truyền số hoá truyền hình đối với người dân trong thời gian qua, theo đó đã tiến hành khảo sát trên các hộ gia đình đang sử dụng truyền hình tương tự xem mức độ biết về số hóa truyền hình ở các địa phương ra sao.
Kết quả của TNS cho thấy, ở khu vực miền Tây Nam Bộ số lượng dân đang xem truyền hình tương tự biết đến số hóa truyền hình nhiều hơn các tỉnh miền Bắc. Tỉnh có kết quả cao nhất là An Giang (90%) và thấp nhất là Hòa Bình (33,1%). Tại nhiều tỉnh miền Bắc còn tới gần một nửa số lượng người dân đang xem truyền hình analog chưa biết đến số hóa truyền hình, trong khi chỉ còn 14 ngày nữa là tắt sóng truyền hình analog.
Cụ thể, nhóm các tỉnh có tỷ lệ người xem truyền hình analog biết về số hóa truyền hình ở mức thấp có: Hà Nội chỉ có 53,1% số người dân đang sử dụng truyền hình analog biết về số hóa truyền hình, 46,9% số người không biết. Con số này ở Bắc Ninh là 42,7%, Hưng Yên là 43,2%, Hà Nam là 45,9%, Vĩnh Phúc là 48%, Hòa Bình là 33,1%, Hải Phòng là 46,1%, Hải Dương là 39,1%, Bắc Giang là 52,3%, Quảng Ninh là 52,9%, Hồ Chí Minh là 45,3%, Đồng Nai là 50,1%.
Nhóm các tỉnh có số người được khảo sát biết về số hóa truyền hình ở mức cao có: Bình Dương là 67,8%, Long An là 72,9%, Tiền Giang là 66%, Cần Thơ là 88,8%, Vĩnh Long là 82,2%, Bến Tre là 80%, Hậu Giang là 85%, Sóc Trăng là 82,8%, Trà Vinh là 65,3%, Kiên Giang là 65%. Tỉnh có tỷ lệ người biết về số hóa truyền hình cao nhất trong số các tỉnh được khảo sát là Đồng Tháp với 90%,
Khảo sát này chỉ tiến hành tại các hộ gia đình đang xem truyền hình analog quảng bá, không đánh giá trên các hộ đang dùng các phương thức truyền hình khác.
Công tác tuyên truyền để người dân biết và chuyển sang thu xem truyền hình số được xác định là một nhiệm vụ quan trọng khi triển khai số hóa truyền hình. Tại hội thảo về tuyên truyền cho số hóa truyền hình mặt đất được tổ chức chiều ngày 1/6/2016 tại Bộ TT&TT, nhiều ý kiến cho rằng, trong giai đoạn 2016-2020, cần tập trung đối tượng tuyên truyền là các hộ dân, nhất là các khu vực nông thôn, vùng xa xôi.
Ông Lê Văn Tuấn cho rằng, về nội dung tuyên truyền cần đưa những thông tin mà người dân cần như: khi nào tắt sóng, chỗ khu vực đó có thu sóng số hay không, nếu không thu được thì có dùng hình thức khác hay không, người dân cần phải biết số hóa rồi thì họ sẽ xem được những kênh gì. Ví dụ, Cô dâu 8 tuổi, Euro 2016 có xem được không. Điều quan trọng nhất là người dân họ cần biết là sẽ được miễn phí những gì.
Ông Trần Minh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược TT&TT cho hay, theo kinh nghiệm quốc tế thì tuyên truyền phải đi trước một bước so với thời điểm tắt sóng. Nhưng khi tắt sóng truyền hình ở Đà Nẵng do kinh phí quá eo hẹp nên khâu truyền không thể đi trước mà phải chạy song song với quá trình số hóa. Dẫn đến việc cho đến tận ngày tắt sóng nhiều người dân không nắm được thông tin, đặc biệt là tại khu vực Bắc Quảng Nam.
Theo ông Trần Minh Tuấn, trong giai đoạn tới mục tiêu tuyên truyền sẽ đặt trọng tâm vào việc đưa thông tin tới những người dân bị ảnh hưởng bởi số hóa truyền hình.
“Điều này rất khó khăn vì số lượng dân rất đông lên đến gần 90 triệu dân với khoảng 22 triệu máy thu hình. Do đó, rất nhiều nội dung tuyên truyền cần biên soạn để phù hợp với nhu cầu tiếp nhận, giải đáp thông tin của người dân”, ông Tuấn cho hay.
Chỉ đạo về việc xây dựng kế hoạch tuyên truyền cho Đề án Số hóa truyền hình giai đoạn 2016 – 2020, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm cho rằng, việc tuyên tuyền phải được phối kết hợp lồng ghép giữa trung ương và địa phương. Nội dung tuyên truyền phải cụ thể đi vào đúng đối tượng, đặt trọng tâm của tuyên truyền là người dân xem truyền hình tương tự. Nội dung phải thống nhất nguyên tắc thiết thực, đúng thông tin người dân cần, dễ hiểu và đến đúng đối tượng.
“Bên cạnh việc truyền thông trên truyền hình, phát thanh, công tác truyền thông phải chú trọng phương thức thông tin cơ sở, biên soạn nội dung phù hợp với đặc điểm của từng vùng miền, đồng thời phải chú trọng tới kênh thông tin điện tử qua Internet, qua kênh hỗ trợ đầu thu tới người dân”, Thứ trưởng Phan Tâm chỉ đạo.