Thành công của việc hỗ trợ đầu thu phụ thuộc lớn vào sự phối hợp của chính quyền địa phương các cấp. Do đó, Bộ TT&TT đề nghị chính quyền cấp xã, phường phải cử người tham gia với chủ đầu tư dự án và nhà thầu để việc hỗ trợ đầu thu cho người dân đúng đối tượng, đúng thủ tục theo quy định.

Lắp đặt đầu thu cho hộ nghèo, cận nghèo đang được thực hiện gấp rút trước ngày tắt sóng truyền hình analog ở 8 tỉnh. (Ảnh minh họa: Việt Hải)
Để chuẩn bị cho tắt sóng truyền hình analog tại 8 tỉnh thuộc giai đoạn 2 vào ngày 30/12/2016, hiện tại Ban quản lý Chương trình viễn thông công ích đang khẩn trương tiến hành các thủ tục để ký hợp đồng mua sắm đầu thu truyền hình cho các hộ nghèo, cận nghèo thuộc diện hỗ trợ của nhà nước. Dự kiến khoảng giữa tháng 12 các nhà thầu bắt đầu lắp đặt đầu thu tới từng hộ dân.
Rút kinh nghiệm từ đợt hỗ trợ đầu thu trước khi tắt sóng truyền hình số giai đoạn 1, ông Đoàn Quang Hoan, Cục trưởng Cục Tần số Vô tuyến điện cho rằng, đây là phần việc quan trọng và phát sinh nhiều khó khăn. Ông Hoan lưu ý Sở TT&TT các tỉnh cần quan tâm đến phần hỗ trợ đầu thu, cụ thể: Thành công của công tác hỗ trợ đầu thu phụ thuộc lớn vào triển khai, phối hợp của chính quyền địa phương các cấp. Nhiệm vụ của địa phương là phải cung cấp danh sách các hộ thụ hưởng, cử người phối hợp với nhà thầu để giám sát quá trình lắp đặt và nghiệm thu. Nguồn kinh phí hỗ trợ lắp đặt đầu thu không có từ Trung ương nên các địa phương phải chi khoản này.
“Khi lắp đặt phải đúng đối tượng hỗ trợ, đảm bảo là người nhận hỗ trợ thu được tín hiệu truyền hình số, gia đình họ phải có tivi và đang thu xem truyền hình ngoài analog. Phía địa phương phải giám sát thực hiện các tiêu chuẩn này cho đúng”, ông Hoan nói.
Ông Hoan nhấn mạnh việc các địa phương phải đề phòng trường hợp nhiều hộ nghèo nằm ngoài vùng phủ sóng nhưng vẫn được chính quyền kê khai, vẫn được nhận hỗ trợ mà không cần nghiệm thu. Chính quyền địa phương kê khai danh sách hộ nghèo để phát cho bà con, rồi lắp đặt hộ và ký nghiệm thu hộ nên nhiều trường hợp đang xem truyền hình trả tiền rồi hoặc các khu vực chưa có sóng truyền hình số vẫn được nhận đầu thu. Do đó chính quyền các tỉnh và Sở TT&TT phải cố gắng thực hiện đúng việc tuyên truyền và giám sát việc triển khai hỗ trợ. Khi hỗ trợ phải đảm bảo không chỉ phát đầu thu cho người dân mang về mà phải thực hiện lắp đặt và nghiệm thu đảm bảo người dân thu được truyền hình số. Nếu địa phương không tham gia quyết liệt nhà thầu và ban quản lý không thể hoàn thành được việc lắp đặt trước ngày tắt sóng.
Theo ông Chu Hồng Tuấn, Giám đốc Ban Quản lý chương trình Viễn thông công ích, dự kiến khoảng 5-6/12/2016, Ban quản lý Chương trình sẽ hoàn thành hợp đồng với 2 nhà thầu cung cấp 2 gói hỗ trợ đầu thu tại 5 tỉnh khu vực Bắc Bộ.
Cụ thể, gói thầu tại Hưng Yên và Hải Dương do Tổng công VTC thực hiện, còn gói thầu tại Bắc Ninh, Hà Nam và Vĩnh Phúc sẽ do Liên danh VNPT Technology và VietnamPost thực hiện. Sau khi ký hợp đồng với nhà thầu, Ban quản lý Chương trình sẽ gửi văn bản tới các tỉnh để thông báo về cách thức và tiến độ lắp đặt tại từng địa phương. Hai nhà thầu đều có kinh nghiệm thực hiện các gói thầu trong giai đoạn 1 và cam kết hoàn thành lắp đặt trước 30/12/2016.
Ông Tuấn đề nghị, Sở TT&TT các tỉnh tham mưu cho UBND tỉnh để chỉ đạo chính quyền huyện, xã phối hợp với chủ đầu thu và nhà thầu trong suốt quá trình lắp đặt đầu thu cho các hộ dân trên địa bàn. Tại 5 tỉnh này, các Bưu điện tỉnh sẽ lắp đặt, địa phương tổ chức người phối hợp đi cùng đến các địa chỉ nhận và thực hiện khâu xác nhận kịp thời.
Ông Đoàn Quang Hoan cũng lưu ý việc Ban quản lý Chương trình Viễn thông công ích phải phối hợp với các Sở TT&TT ngay từ giai đoạn đầu, cách thức triển khai ra sao phải thông báo trước để các Sở trước lên kế hoạch bố trí lực lượng. Rút kinh nghiệm từ Hà Nội, Sở TT&TT tham mưu cho lãnh đạo UBND tỉnh có văn bản chỉ đạo chính quyền cơ sở sẵn sàng đi cùng với Ban quản lý chương trình, nhà thầu để sâu sát trong khi lắp đặt đầu thu, khâu xác nhận và thanh quyết toán đúng quy định.