Hai doanh nghiệp phát sóng khu vực SDTV và RTB xin được “cởi trói”

Hai doanh nghiệp phát sóng khu vực SDTV và RTB xin được “cởi trói”

Hai doanh nghiệp truyền dẫn phát sóng khu vực là SDTV và RTB đều xin xóa bỏ khái niệm khu vực, được phép cung cấp dịch vụ truyền dẫn phát sóng truyền hình số DVB-T2 ra các khu vực lân cận, thay vì giới hạn về địa lý như hiện nay.

Hai doanh nghiệp phát sóng khu vực SDTV và RTB xin được “cởi trói”

Trong buổi Hội thảo về giải pháp truyền dẫn phát sóng truyền hình số mới đây, ông Nguyễn Đức Hòa, Giám đốc Công ty Truyền hình kỹ thuật số miền Nam (SDTV) tiếp tục đưa ra kiến nghị, Nhà nước bỏ khái niệm doanh nghiệp khu vực đối với doanh nghiệp truyền dẫn phát sóng. Theo ông Hòa, khái niệm này làm hạn chế năng lực mở rộng kinh doanh của doanh nghiệp, làm mất sự cạnh tranh bình đẳng trên thị trường, thị trường mà có sự bất bình đẳng sẽ không phải là thị trường nữa. Nếu được phép mở rộng SDTV xin được phép mở rộng cung cấp dịch vụ trên phạm vi cả nước. Tuy nhiên, SDTV không có tham vọng cung cấp dịch vụ ra toàn quốc mà chỉ mở rộng từ Đà Nẵng trở vào. Hiện tại, SDTV muốn phối hợp với hai Đài PT-TH Khánh Hòa và Đắc Lắc để truyền dẫn kênh truyền hình của hai tỉnh này trên hệ thống truyền hình số nhưng lại vướng vì SDTV chưa có giấy phép cung cấp dịch vụ ở khu vực đó.

Hiện tại có 3 doanh nghiệp đã được cấp phép kinh doanh dịch vụ truyền dẫn phát sóng truyền hình số mặt đất, trong đó AVG được phép cung cấp dịch vụ trên toàn quốc, SDTV cung cấp dịch vụ ở 22 tỉnh thuộc khu vực Nam Bộ, còn Công ty CP truyền dẫn phát sóng truyền hình số đồng bằng Sông Hồng (RTB) cung cấp dịch vụ ở 14 tỉnh thuộc khu vực Bắc Bộ.

Hiện tại SDTV đã đầu tư khoảng 220 tỷ đồng thiết lập hệ thống truyền dẫn phát sóng truyền hình số, RTB đầu tư hơn 120 tỷ đồng. Khi cung cấp dịch vụ, hai doanh nghiệp này còn phải tận dụng thêm nhiều hạ tầng kỹ thuật của các đài PT-TH trong khu vực.

Theo ông Nguyễn Đức Hòa, đầu tư vào lĩnh vực truyền dẫn rất lớn nhưng lợi nhuận thấp, theo tính toán của SDTV trong vòng 5 năm chưa chắc SDTV đã thu hồi được vốn. Về lợi ích của việc truyền dẫn trên hệ thống của SDTV, ông Hòa cho hay, trong quá trình triển khai vừa qua SDTV có cung cấp truyền dẫn cho một số kênh nội dung xã hội hóa, các kênh này đòi hỏi phải nhìn thấy rõ lợi ích từ nguồn thu quảng cáo và chỉ số rating. Sau một thời gian triển khai thì tất cả các kênh phát dịch vụ đều có phản hồi tốt hơn trước đây khi chưa truyền dẫn trên hệ thống số mặt đất, so với khi họ chỉ truyền dẫn trên cáp thì đến nay rating cao hơn hẳn. Các kênh truyền dẫn theo nhiệm vụ được giao cũng có kênh đạt doanh thu hiệu quả cao hơn.


Bà Lại Thị Bích, Ủy viên Hội đồng quản trị Công ty RTB cũng cho hay, RTB cũng sẵn sàng đầu tư các thiết bị chuyển đổi, cả về con người và về kỹ thuật để mở rộng cung cấp dịch vụ ra các khu vực khác. Nếu được Bộ TT&TT cho phép, RTB sẽ bàn bạc với SDTV để phân chia khu vực xin mở rộng, đề nghị SDTV truyền dẫn từ Thừa Thiên Huế trở vào, còn các tỉnh còn lại giao cho RTB cung cấp dịch vụ. Tuy nhiên, RTB đang gặp khó khăn trong đàm phán cung cấp dịch vụ với các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ.



Hai công ty RTB và SDTV đều mong muốn xin được mở rộng phạm vi cung cấp dịch vụ. Ảnh: Việt Hải


Ông Đoàn Quang Hoan, Cục trưởng Cục Tần số Vô tuyến điện ủng hộ đề xuất xin mở rộng giấy phép của ông Nguyễn Đức Hòa. Theo ông Hoan, trong các văn bản quy hoạch có khái niệm doanh nghiệp khu vực, ý tưởng thành lập doanh nghiệp khu vực hình thành trong điều kiện yêu cầu sử dụng tài nguyên tần số phải hiệu quả. Việc phát triển thị trường cạnh tranh là ý tưởng quan trọng để hình thành xây dựng các nhóm kênh khu vực, doanh nghiệp khu vực cung cấp dịch vụ phát sóng cho các nhóm kênh đó. Tuy nhiên, khái niệm khu vực trong môi trường kinh doanh cạnh tranh là không phù hợp, doanh nghiệp chỉ được phát triển các dịch vụ kinh doanh có điều kiện, lại bị hạn chế về giới hạn địa lý là điều “kiêng kỵ”, thậm chí còn không phù hợp pháp luật về kinh doanh.

Để triển khai dịch vụ truyền dẫn phát sóng cho các tỉnh sẽ số hóa truyền hình theo nhóm 2 hoặc nhóm 3, nếu như cân nhắc giữa thành lập thêm doanh nghiệp hay cấp phép mở rộng ra cho doanh nghiệp có sẵn có lợi hơn thì nhiều ý kiến ủng hộ các doanh nghiệp đã được thành lập mở rộng quy mô. Bởi nhà nước đặt mục tiêu hình thành thị trường truyền dẫn phát sóng cạnh tranh thì phải tạo điều kiện để doanh nghiệp vận hành đúng với quy định của thị trường.  

“Đối với dịch vụ truyền dẫn phát sóng, số lượng khách hàng cực kỳ ít, chỉ có tối đa 63 khách hàng là các đài PT-TH địa phương, thêm một số kênh của đài toàn quốc thuê phát sóng, hoặc một số kênh chương trình liên kết. Do đó, nếu doanh nghiệp khu vực xin cấp phép cung cấp dịch vụ ở những khu vực chưa có doanh nghiệp nào làm thì Bộ TT&TT sẽ ủng hộ”, ông Hoan phát biểu.

Chia sẻ:

Quét mã để tải
SDTV app