Dự án hỗ trợ đầu thu số cho hộ nghèo, cận nghèo sẽ mua 461.000 đầu thu số DVB-T2

Dự án hỗ trợ đầu thu số cho hộ nghèo, cận nghèo sẽ mua 461.000 đầu thu số DVB-T2

Mới đây, Quỹ Dịch vụ Viễn thông công ích Việt Nam đã trình Bộ TT&TT phê duyệt Dự án hỗ trợ đầu thu truyền hình số cho các hộ nghèo, cận nghèo theo tiêu chuẩn Trung ương tại 4 TP Hà Nội, Hải Phòng, TP.HCM, Cần Thơ và 19 tỉnh, thành.

Dự án hỗ trợ đầu thu số cho hộ nghèo, cận nghèo sẽ mua 461.000 đầu thu số DVB-T2

Theo dự kiến, dự án sẽ thực hiện mua sắm, lắp đặt 461.000 đầu thu truyền hình số DVB-T2 với tổng số tiền đầu tư là 380 tỷ đồng.

Có thể nói, Dự án hỗ trợ đầu thu truyền hình số đang được triển khai là dự án lớn cả về số tiền đầu tư và quy mô triển khai của Dự án. Đây có thể coi là dự án quan trọng nhất trong lộ trình triển khai số hóa truyền hình. Dự án sẽ được thực hiện tại 4 thành phố quan trọng nhất cả nước và 19 tỉnh lân cận, với diện tích phủ sóng truyền hình và dân cư chiếm khoảng 50% cả nước. Do đó, khi thực hiện số hóa truyền hình xong tại 4 thành phố coi như mục tiêu của Đề án số hóa truyền hình đã hoàn thành được một nửa.

Theo tiến độ triển khai số hóa truyền hình như hiện tại, ông Đoàn Quang Hoan, Cục trưởng Cục Tần số Vô tuyến điện cho hay, có thể lộ trình số hóa truyền hình sẽ kết thúc nhanh vào trước năm 2018, thay vì đến năm 2020 như kế hoạch ban đầu.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2016 của Bộ TT&TT mới đây, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son nhấn mạnh: Một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà Bộ TT&TT đặt ra trong năm 2016, đó là hoàn thành việc triển khai giai đoạn 1 Đề án số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình số mặt đất đến năm 2020 tại 5 thành phố lớn trong cả nước, đồng thời triển khai song song giai đoạn 2 của Đề án số hóa truyền hình tại các địa phương.

Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cũng đánh giá, trong năm 2015, Bộ TT&TT đã chỉ đạo thực hiện tốt công tác triển khai thí điểm Đề án số hóa truyền hình ở Đà Nẵng và Bắc Quảng Nam. Việc triển khai số hóa truyền hình đã thành công trong giai đoạn đầu, trong năm 2016 Bộ TT&TT phấn đấu hoàn thành mục tiêu tắt truyền hình analog ở 4 thành phố Hà Nội, Hồ Chí Minh, Cần Thơ và Hải Phòng, hoàn thành giai đoạn 1 của Đề án.

Hiện nay, Ban chỉ đạo Đề án số hóa truyền hình cũng đã quyết định lộ trình tắt sóng truyền hình analog ở  4 thành phố lớn là Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng và Cần Thơ. Thời điểm tắt sóng mềm analog một số kênh truyền hình không thiết yếu tại 4 thành phố này chính thức được điều chỉnh sang ngày 1/3/2016, thay vì mốc 1/1/2016 như kế hoạch.

Cụ thể, từ ngày 1/3/2016 tại Hà Nội sẽ ngừng phát sóng 3 kênh VTV6, H2, VTC9; 4 kênh VTV6, VTV9, VTC9, HTV7 tại TPHCM và 4 kênh VTV6, VTV Cần Thơ 1, VTV Cần Thơ 2, VTC9 tại Cần Thơ.

Từ ngày 1/6/2016 sẽ ngừng phát sóng toàn bộ kênh truyền hình tương tự mặt đất còn lại tại 4 thành phố trên.

Với phạm vi phủ sóng các kênh truyền hình analog hiện tại, khi thực hiện tắt sóng truyền hình analog ở 4 thành phố sẽ có 19 tỉnh bị ảnh hưởng đến việc thu xem truyền hình, trong đó có tỉnh bị ảnh hưởng toàn bộ, có tỉnh bị ảnh hưởng một phần, do người dân tại các tỉnh lân cận đang thu xem nhiều kênh truyền hình được phát sóng từ 4 thành phố này.

Các tỉnh bị ảnh hưởng gồm Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Giang, Hà Nam, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Hòa Bình, Vĩnh Long, Hậu Giang Bình Dương, Đồng Tháp, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Kiên Giang, Đồng Nai và Long An, trong khi các tỉnh này theo lộ trình thuộc nhóm sẽ số hóa truyền hình vào giai đoạn 2 hoặc giai đoạn 3, tức là sẽ tắt sóng truyền hình vào năm 2017 hoặc năm 2018.

Theo kế hoạch, Dự án hỗ trợ đầu thu truyền hình số cho các hộ nghèo theo chuẩn Trung ương sẽ được hoàn thành trong tháng 2/2016. Thời điểm triển khai Dự án vào thời điểm diễn ra nhiều sự kiện chính trị lớn của đất nước,Đại hội đại biểu Đảng toàn quốc lần thức XII, thời điểm diễn ra Tết Nguyên đán Bính Thân. Thực hiện số hóa truyền hình là thay đổi quan trọng mang lại nhiều lợi ích cơ bản, đáp ứng nhu cầu tiếp nhận thông tin tới người dân trước và trong các sự kiện lớn của đất nước.

Năm 2016 là năm có ý nghĩa rất quan trọng đối với nước ta, là năm mở đầu của kế hoạch 5 năm giai đoạn 2016-2020 và diễn ra Đại hội đại biểu Đảng toàn quốc lần thứ XII vào cuối tháng 1/2016, đồng thời là năm đầu tiên triển khai thực hiện Nghị quyết của Đại hội Đảng, cũng là năm tổ chức bầu cử Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp. Cộng đồng ASEAN mà Việt Nam là một thành viên chính thức đi vào hiện thực từ ngày 1/1/2016.

Ông Phạm Văn Dũng, Giám đốc Quỹ Dịch vụ Viễn thông công ích cho biết, Quỹ Dịch vụ Viễn thông công ích đặt quyết tâm cao nhất để hoàn thành dự án đúng thời hạn đặt ra. Đảm bảo thông tin tuyên truyền về các sự kiện lớn của đất nước, các sự kiện văn hóa của dân tộc được kết nối thông suốt tới người dân bằng phương thức tiên tiến hiện đại nhất, chất lượng tốt nhất. Nhất là các đối tượng hộ nghèo, cận nghèo sẽ được thụ hưởng thông tin trên truyền hình một cách kịp thời

Theo ICTNews

Chia sẻ:

Quét mã để tải
SDTV app