Dịch vụ truyền dẫn phát sóng phải theo cơ chế thị trường

Dịch vụ truyền dẫn phát sóng phải theo cơ chế thị trường

Vấn đề khó khăn nhất của 5 tỉnh Bắc Bộ chuẩn bị tắt sóng truyền hình analog vào ngày 30/12/2016 tới là chưa có căn cứ để thực hiện thủ tục đấu thầu thuê dịch vụ truyền dẫn phát sóng. Tuy nhiên, Bộ TT&TT khẳng định dịch vụ truyền dẫn phát sóng đã có cạnh tranh và phải được cung cấp theo cơ chế thị trường.

Nhà nước đã từng bước hình thành thị trường truyền dẫn phát sóng truyền hình cạnh tranh.

 

Đài PT-TH tỉnh “kêu” vướng khi thuê dịch vụ truyền dẫn phát sóng

Sáng ngày 29/11/2016, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm đã chủ trì cuộc họp với đại diện Sở TT&TT, Đài PT-TH của 5 tỉnh thuộc khu vực đồng bằng Bắc Bộ sẽ tắt sóng truyền hình analog vào ngày 30/12/2016. Vấn đề nóng nhất của cuộc họp này là một số địa phương kêu khó khăn trong việc thực hiện thủ tục đấu thầu để thuê dịch vụ truyền dẫn phát sóng.

Trong số 5 tỉnh: Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc và Hà Nam thì chỉ có 2 tỉnh Hưng Yên và Vĩnh Phúc đã được UBND tỉnh chấp thuận bố trí kinh phí để thuê truyền dẫn phát sóng năm 2017 với kinh phí tạm tính 3 tỷ đồng. Việc bố trí ngân sách tạm thời này để các đài có thể ký hợp đồng tạm tính với doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền dẫn.


Với 3 tỉnh còn lại, đài PT-TH tỉnh đều kêu gặp khó khăn do UBND tỉnh chưa phê duyệt ngân sách. Lãnh đạo ba đài PT-TH Hải Dương, Hà Nam và Bắc Ninh cho hay, khi đài PT-TH xây dựng nguồn chi phí ngân sách cho năm 2017 có đưa vào kế hoạch khoản chi thuê truyền dẫn phát sóng, căn cứ vào báo giá do Công ty CP Truyền dẫn phát sóng truyền hình số đồng bằng Sông Hồng thông báo, đây là đơn giá tạm tính và sẽ được điều chỉnh sau khi Bộ TT&TT ra được định mức đơn giá chính thức. Tuy nhiên, Sở Tài chính các địa phương này đã không chấp thuận do chưa có căn cứ, chưa có cơ sở để bố trí nguồn vốn và khi nào có hướng dẫn của Bộ TT&TT sẽ bổ sung sau.

Chính vì chưa được bố trí ngân sách nên các đài PT-TH đã không thể ngồi đàm phán với doanh nghiệp để thương thảo hợp đồng. Theo đại diện Đài PT-TH Hải Dương, từ đầu năm 2016 Đài có nhận được 2 công văn của RTB đề xuất cung cấp dịch vụ với đơn giá ước tính 3 tỷ đồng chưa thuế. Ngay sau khi có thông báo của Trưởng ban Chỉ đạo về việc Hải Dương sẽ tắt sóng truyền hình analog vào ngày 30/12/2016, Đài PT-TH đã có công văn gửi UBND tỉnh xin chỉ đạo cho lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ  truyền dẫn phát sóng, nhưng đã phát sinh 2 vướng mắc: Quy trình và nguyên tắc lựa chọn nhà thầu tuân theo đúng thủ tục phải mất nhiều thời gian. Đài còn chờ UBND tỉnh cấp kinh phí cho Đài, khi đó mới liên hệ với nhà cung cấp dịch vụ để lựa chọn, trong khi đến giờ kinh phí vẫn chưa được cấp vì còn phải chờ hướng dẫn của Bộ TT&TT. Vị lãnh đạo này cũng đề nghị Bộ TT&TT hỗ trợ các đài tháo gỡ khó khăn bằng cách hướng dẫn áp dụng phương pháp chỉ định thầu cho hợp đồng thuê truyền dẫn năm 2017. Đại diện Đài PT-TH Bắc Ninh và Hà Nam cũng nêu vướng mắc tương tự như ở Hải Dương.

Liên quan đến vấn đề truyền dẫn phát sóng, ông Nguyễn Hà Yên, Phó Cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử cho rằng, các đài PT-TH phải lưu ý kênh truyền hình chuyển sang phát số là kênh tuyên truyền thiết yếu của địa phương, gắn với tôn chỉ mục đích hoạt động của Đài tỉnh, đây là nhiệm vụ chính trị tuyên truyền phổ biến chính sách của địa phương cho người dân địa phương. Kênh truyền hình thiết yếu này khi tắt phát sóng analog thì bắt buộc phải chuyển sang phát số, về công nghệ khi kênh này đang là phát SD trên analog thì chuyển sang số cũng sẽ chỉ phát SD. Do đó, các đài PT-TH phải có giải pháp để phát sóng số trước ngày tắt sóng truyền hình analog.

Dịch vụ truyền dẫn sẽ cung cấp theo cơ chế thị trường

Khi triển khai số hóa truyền hình, mục đích của nhà nước là sẽ từng bước hình thành thị trường truyền dẫn phát sóng cạnh tranh, ở thời điểm hiện tại thị trường đã có 3 doanh nghiệp truyền dẫn phát sóng tham gia, trong đó chỉ có AVG là doanh nghiệp cung cấp dịch vụ toàn quốc.

Cũng theo ông Yên, tại khu vực miền Nam, Công ty Truyền hình kỹ thuật số miền Nam (SDTV) đã có kinh nghiệm khi phát sóng vệ tinh cho các đài địa phương, do vậy SDTV khi làm việc với các đài tỉnh để ký hợp đồng phát sóng truyền hình số mặt đất cũng rất thuận lợi, khác với các tỉnh miền Bắc.

Thêm vào đó, từ trước tới nay chưa bao giờ nhà nước ban hành định mức phát sóng lên vệ tinh nhưng hiện tại đã có gần 60 Đài PT-TH địa phương đã phát sóng lên vệ tinh trên hệ thống truyền dẫn của VTC, do đó không thể coi thủ tục hành chính là rào cản đối với việc ký hợp đồng thuê dịch vụ truyền dẫn phát sóng. Vấn đề khó khăn ở đây là cách làm của doanh nghiệp với chính quyền địa phương. Còn định mức do Bộ TT&TT sắp sửa ban hành chỉ là để doanh nghiệp và các đài tham khảo khi xây dựng dự toán ngân sách. Còn các đài vẫn phải làm thủ tục đấu thầu theo quy định để lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ truyền dẫn phát sóng.

Ông Yên cũng lưu ý, ở khu vực Bắc Bộ hiện đã có hai nhà cung cấp dịch vụ truyền dẫn phát sóng là RTB và AVG. Việc lựa chọn doanh nghiệp nào phát sóng cho các đài là không phải là  chuyện chọn tạm thời, mà là chọn cả đời nên các đài phải cân nhắc kỹ để đảm bảo tính ổn định và lâu dài.

Liên quan đến vấn đề lựa chọn doanh nghiệp truyền dẫn phát sóng truyền hình số, ông Đoàn Quang Hoan, Cục trưởng Cục Tần số Vô tuyến điện cũng cho hay, trách nhiệm của Bộ TT&TT và Ban chỉ đạo đã hoàn thành trong việc tổ chức hệ thống phát sóng, các đơn vị phát sóng, ít nhất trên địa bàn đã có 2 doanh nghiệp RTB và AVG đã sẵn sàng cung cấp dịch vụ cho các đài.

Ông Hoan nhấn mạnh, các địa phương hoàn toàn có quyền lựa chọn doanh nghiệp trên địa bàn để truyền dẫn, Bộ TT&TT đang xây dựng và sẽ ban hành quy định về định mức truyền dẫn phát sóng để các địa phương có cơ sở để thương thảo hợp đồng. Dịch vụ truyền dẫn là dịch vụ viễn thông và cung cấp theo cơ chế thị trường. Ít nhất trên 5 tỉnh đã có 2 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, nên không khó khăn gì khi các đài yêu cầu hai doanh nghiệp gửi báo giá và các tiêu chuẩn kỹ thuật làm sở cứ để lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ.

Ông Hoan cũng lưu ý, ngoài tiêu chí về giá cả, các đài PT-TH nên tính toán kỹ yếu tố ổn định lâu dài và khả năng mở rộng dịch vụ sau này. Trong quy hoạch, nhà nước đã xây dựng các công ty phát sóng khu vực và ưu tiên phân bổ tần số các công ty này để cung cấp dịch vụ cho địa phương một cách tốt nhất. Luật không quy định rõ, các đài PT-TH địa phương phải chọn “ông này ông kia” nhưng điều kiện về lâu dài là băng thông để cung cấp dịch vụ nên các đài phải cân nhắc kỹ. Hiện tại các đài tỉnh đang phát chương trình với độ phân giải tiêu chuẩn SD có thể thuê ai cũng được, tuy nhiên khi làm hợp đồng thuê phải chặt chẽ về dung lượng nén và tốc độ dữ liệu để hình không bị xấu hơn các kênh khác. Đề án Số hóa truyền hình không bắt buộc các đài phát HD mà chỉ yêu cầu chuyển đổi sang phát số chuẩn SD, nhưng nếu các đài tỉnh có định hướng phát triển HD thì phải lựa chọn doanh nghiệp có khả năng, bao gồm cả khả năng kỹ thuật và khả năng về tần số.

Trước một số ý kiến đề nghị cho VTV tham gia hỗ trợ các đài địa phương phát sóng số, ông Hoan cho hay, VTV đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ không thành lập công ty truyền dẫn phát sóng, nên theo quy định của Luật Viễn thông VTV chưa được phép cung cấp dịch vụ có thu tiền của các đài. Nếu VTV cung cấp dịch vụ và thu tiền sẽ bị “tuýt còi” ngay. Trong triển khai giai đoạn này sự hỗ trợ của VTV là cần thiết, nhưng các tỉnh không nên dựa dẫm vào sự hỗ trợ của VTV mà cần có giải pháp của mình để thuê dịch vụ truyền dẫn một cách bài bản.

Chia sẻ:

Quét mã để tải
SDTV app