Đó là các tỉnh: Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Giang, Hà Nam, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Hòa Bình, Vĩnh Long, Hậu Giang Bình Dương, Đồng Tháp, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Kiên Giang, Đồng Nai và Long An.
Phiên họp lần thứ 9 của Ban Chỉ đạo Đề án Số hóa truyền hình Việt Nam
Lộ trình tắt sóng tương tự mặt đất tại 4 thành phố thuộc Trung ương
Theo kết luận của Ban Chỉ đạo Đề án Số hóa truyền hình Việt Nam tại phiên họp lần thứ 9 tổ chức ngày 29/9/2015 tại Đà Nẵng: Từ ngày 01/01/2016, tại Hà Nội, Hải Phòng, thành phố Hồ Chí Minh và Cần Thơ sẽ ngừng phát sóng truyền hình tương tự mặt đất một số kênh chương trình của Trung ương và địa phương, cụ thể: VTV6, H2 và VTC9 tại Hà Nội; VTV6, VTV9, VTC9 và HTV7 tại thành phố Hồ Chí Minh; VTV6, VTV Cần Thơ 1, VTV Cần Thơ 2 và VTC9 tại Cần Thơ. Từ ngày 01/4/2016, ngừng phát sóng toàn bộ kênh chương trình truyền hình tương tự mặt đất tại 04 thành phố này; tất cả các máy phát sóng truyền hình tương tự mặt đất đặt tại thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương (trừ các máy phát của Đài PTTH Bình Dương) sẽ ngừng hoạt động theo kế hoạch ngừng phủ sóng truyền hình tương tự mặt đất tại thành phố Hồ Chí Minh.
Việc thực hiện phương án tắt sóng như trên theo nguyên tắc đảm bảo hài hòa giữa nhu cầu của người dân và tuyên truyền chính sách của Nhà nước, tránh gây ảnh hưởng đến nhu cầu hưởng thụ thông tin và giải trí chính đáng của nhân dân, đồng thời cũng dựa trên khả năng triển khai hỗ trợ đầu thu truyền hình số mặt đất từ Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích cho các hộ dân trên địa bàn bị ảnh hưởng.
19 tỉnh lân cận chịu ảnh hưởng
Theo tính toán của Cục Tần số vô tuyến điện, với phạm vi phủ sóng hiện nay của các kênh truyền hình tương tự mặt đất nói trên, khi ngừng phủ sóng tại Hà Nội, Hải Phòng, thành phố Hồ Chí Minh và Cần Thơ, thì đồng thời sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ hoặc một phần địa bàn 19 tỉnh lân cận. Cụ thể, toàn bộ địa bàn có Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Vĩnh Long, Hậu Giang và Bình Dương; một phần địa bàn có Bắc Giang (huyện Hiệp Hòa và huyện Việt Yên), Hà Nam (huyện Duy Tiên và huyện Lý Nhân), Quảng Ninh (huyện: Đông Triều, Uông Bí), Vĩnh Phúc (thành phố: Vĩnh Yên, Phúc Yên; huyện: Bình Xuyên, Yên Lạc, Vĩnh Tường), Hòa Bình (huyện: Lương Sơn, Kim Bôi), Đồng Tháp (thành phố: Sa Đéc, Cao Lãnh; huyện: Châu Thành, Lai Vung, Cao Lãnh, Lấp Vò, Tháp Mười), Tiền Giang (huyện: Cái Bè, Cai Lậy), Bến Tre (huyện: Mỏ Cày Bắc, Chợ Lách, Châu Thành), Trà Vinh (huyện: Càng Long, Cầu Kè, Tiểu Cần, Châu Thành), Sóc Trăng (thành phố Sóc Trăng; thị xã Ngã Năm; huyện: Mỹ Tú, Châu Thành, Kế Sách, Long Phú, Thanh Trị, Cù Lao Dung, Trần Đề), Kiên Giang (huyện: Giồng Riềng, Gò Quao), Đồng Nai (thành phố Biên Hòa; thị xã Long Khánh; huyện: Nhơn Trạch, Long Thành, Cẩm Mỹ, Thống Nhất, Trảng Bom, Vĩnh Cửu) và Long An (thành phố Tân An; huyện: Đức Hòa, Đức Huệ, Bến Lức, Thủ Thừa, Tân Trụ, Cần Đước, Cần Giuộc).
Để xác định chính xác phạm vi ảnh hưởng và chất lượng phủ sóng truyền hình số mặt đất, trong thời gian tới đây các Sở Thông tin và Truyền thông và các đơn vị liên quan sẽ cùng các Trung tâm Tần số VTĐ khu vực (Cục Tần số VTĐ), tiến hành đo đạc, khảo sát thực tế tại từng khu vực.
Như vậy, thực hiện số hóa truyền hình mặt đất tại 4 thành phố thuộc Trung ương không chỉ là công việc của 4 thành phố này, mà còn là công việc của 19 tỉnh lân cận. Các địa phương chịu ảnh hưởng cần phải đẩy mạnh hoạt động thông tin, tuyên truyền về số hóa truyền hình mặt đất để người dân biết về kế hoạch tắt sóng các kênh truyền hình tương tự trên địa bàn; hướng dẫn việc tự trang bị thiết bị thu truyền hình số mặt đất, cách thức lắp đặt, điều chỉnh thiết bị thu xem truyền hình số; tổng hợp số liệu và phối hợp cơ quan chức năng thực hiện hỗ trợ đầu thu kỹ thuật số cho hộ nghèo, cận nghèo.