Năm 2016: 13 tỉnh đã triển khai thành công số hóa truyền hình

Năm 2016: 13 tỉnh đã triển khai thành công số hóa truyền hình

Năm 2016: 13 tỉnh đã triển khai thành công số hóa truyền hình

Kết thúc năm 2016, đã có 13 tỉnh, thành phố đã hoàn thành số hóa truyền hình, đánh dấu sự thành công của Bộ TT&TT trong triển khai Đề án Số hóa truyền hình. Kết thúc giai đoạn 1 và một phần của giai đoạn 2 Đề án số hóa truyền hình hiện đã có khoảng 50% dân số dân số cả nước nằm trong vùng phủ sóng truyền hình số DVB-T2. Người dân có thể thu xem được từ 30- 70 kênh truyền hình miễn phí, trong đó có nhiều kênh theo chuẩn HD.

 

13 tỉnh, thành phố đã triển khai thành công số hóa truyền hình. Ảnh: nguồn Internet

13 tỉnh, thành phố đã triển khai thành công số hóa truyền hình. Ảnh: nguồn Internet

Đúng 0h ngày 30/12/2016, 8 tỉnh thuộc giai đoạn 2 của Đề án Số hóa truyền hình đã chính thức tắt sóng truyền hình analog gồm: Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, Hà Nam, Vĩnh Phúc, Bình Dương, Vĩnh Long, Hậu Giang. Trước đó vào 24 giờ ngày 15/8/2016 (tương đương với 0h ngày 16/8/2016) tại 4 thành phố  Hà Nội, Hồ Chí Minh, Hải Phòng và Cần Thơ cũng đã ngừng phát sóng các kênh truyền hình tương tự mặt đất. Đà Nẵng là địa phương hoàn thành sớm nhất số hóa truyền hình mặt đất và ngừng phát sóng truyền hình tương tự mặt đất từ ngày 1/11/2015, trở thành thành phố đầu tiên của ASEAN thực hiện thành công số hóa truyền hình. Như vậy tính đến hết năm 2016 đã có 13 tỉnh, thành phố hoàn thành số hóa truyền hình, đánh dấu sự thành công lớn của Đề án Số hóa truyền hình.

Việc ngắt sóng các kênh truyền hình analog sẽ ảnh hưởng tới những hộ đang thu xem truyền hình quảng bá (thu bằng anten), những hộ gia đình này phải chuyển đổi sang thu xem truyền hình kỹ thuật số bằng tivi số có tích hợp tính năng thu truyền hình số mặt đất DVB-T2 hoặc dùng đầu thu kỹ thuật số DVB-T2 kết nối với các tivi đời cũ để thu xem truyền hình số quảng bá.

Hơn 500.000 đầu thu truyền hình được hỗ trợ cho người nghèo

Một phần việc quan trọng khi triển khai Đề án Số hóa truyền hình, đó là Nhà nước đã trợ cấp cho các hộ nghèo, cận nghèo đầu thu truyền hình kỹ thuật số DVB-T2 để thu xem truyền hình số từ nguồn tiền của Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích. Tính đến hết năm 2016, Quỹ Dịch vụ Viễn thông công ích đã triển khai hỗ trợ hơn 540.000 đầu thu cho các hộ nghèo, cận nghèo theo chuẩn Trung ương. Trong đó, Giai đoạn 1 đã hỗ trợ cho 460.232 hộ gia đình đủ điều kiện nằm trong vùng ảnh hưởng của việc tắt sóng truyền hình tương tự mặt đất tại 5 thành phố trực thuộc Trung ương. Trong đó, có 16.052 hộ nghèo, cận nghèo tại Đà Nẵng và Bắc Quảng Nam; 444.180 hộ nghèo, cận nghèo tại 4 thành phố Hà Nội, Hải Phòng, Cần Thơ và địa bàn của 19 tỉnh lân cận. Giai đoạn 2 tiếp tục triển khai hỗ trợ 80.248 bộ đầu thu bổ sung cho 8 tỉnh tắt sóng truyền hình analog vào ngày 30/12/2016. Bên cạnh hỗ trợ từ nguồn tiền của Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích, một số thành phố như Đà Nẵng, Hà Nội, TP.HCM, Bình Dương cũng đã triển khai hỗ trợ cho các hộ nghèo, cận nghèo theo chuẩn riêng của địa phương từ nguồn ngân sách địa phương, hoặc huy động doanh nghiệp tham gia hỗ trợ. Các hộ nghèo, cận nghèo đủ điều kiện hỗ trợ theo tiêu chuẩn Trung ương đã được hỗ trợ đầu thu DVB-T2 với tình trạng hoạt động và chất lượng thu tín hiệu  tốt. Các hộ gia đình nhận hỗ trợ đầu thu đều rất phấn khởi vì được xem nhiều kênh truyền hình chất lượng cao mà không phải trả phí.

Kết thúc giai đoạn 1 và một phần của giai đoạn 2 Đề án số hóa truyền hình hiện đã có khoảng 50% dân số dân số cả nước nằm trong vùng phủ sóng truyền hình số DVB-T2.

Rút kinh nghiệm từ các đợt hỗ trợ đầu thu trước khi tắt sóng truyền hình số, ông Đoàn Quang Hoan, Cục trưởng Cục Tần số Vô tuyến điện cho rằng, hỗ trợ đầu thu cho người nghèo là phần việc quan trọng và phát sinh nhiều khó khăn. Trong đó, thành công của công tác hỗ trợ đầu thu phụ thuộc lớn vào triển khai, phối hợp của chính quyền địa phương các cấp. Nhiệm vụ của địa phương là phải cung cấp danh sách các hộ thụ hưởng, cử người phối hợp với nhà thầu để giám sát quá trình lắp đặt và nghiệm thu. Nguồn kinh phí hỗ trợ lắp đặt đầu thu không có từ Trung ương nên các địa phương phải chi khoản này.

“Khi lắp đặt phải đúng đối tượng hỗ trợ, đảm bảo là người nhận hỗ trợ thu được tín hiệu truyền hình số, gia đình họ phải có tivi và đang thu xem truyền hình ngoài analog. Phía địa phương phải giám sát thực hiện các tiêu chuẩn này cho đúng”, ông Hoan nói.

Vùng phủ sóng truyền hình số đã rộng hơn truyền hình analog

Theo Cục Tần số Vô tuyến điện, tại các tỉnh thuộc khu vực đồng bằng Bắc Bộ đã tắt sóng truyền hình analog có vùng phủ sóng truyền hình số DVB-T2 bằng hoặc rộng hơn truyền hình analog trước kia.

Hiện tại VTV đã triển khai mạng phát sóng truyền hình số DVB-T2 tại Hà Nội và Hải Phòng với 6 máy phát hình chính cho khu vực đồng bằng Bắc Bộ, phủ sóng toàn bộ địa bàn Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hà Nam, Hải Dương, Thái Bình, Nam Định, phần lớn địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc và một phần các tỉnh còn lại trong khu vực.

Công ty cổ phần Truyền dẫn phát sóng truyền hình đồng bằng Sông Hồng (RTB) triển khai 5 máy phát hình số, trong đó có 3 máy chính tại Hải Phòng, Hà Nội, Hà Nam và 2 trạm phát công suất nhỏ ở Hải Phòng, phủ sóng toàn bộ địa bàn Hải Phòng, Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hà Nam, Hải Dương; phần lớn địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc và phủ sóng 1 phần còn lại ở các tỉnh trong khu vực.

Công ty cổ phần nghe nhìn Toàn cầu (AVG) thiết lập mạng đơn tần phủ sóng DVB-T2 khắp các tỉnh miền Bắc, có tỉnh phủ toàn bộ, có tỉnh chỉ phủ khu đông dân cư. AVG cũng có đủ giấy phép tham gia cung cấp dịch vụ truyền dẫn phát sóng cho các tỉnh, thành phố. Đồng thời AVG đã sẵn sàng cung cấp dịch vụ cho các Đài PT-TH địa phương.

Tại khu vực miền Nam, Công ty Truyền hình kỹ thuật số miền Nam (SDTV) cũng đã triển khai hệ thống mạng truyền dẫn phát sóng truyền hình số DVB-T2 đảm bảo vùng phủ sóng truyền hình số rộng hơn, tốt hơn truyền hình analog.

Sau khi tắt sóng truyền hình analog, Tiểu ban giúp việc của Đề án Số hóa truyền hình đã thành lập 4 đoàn công tác khảo sát tình hình sau khi ngừng phát sóng truyền hình tương tự mặt đất tại Hà Nội, Hải Phòng, TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ. Kết quả khảo sát cho thấy, vùng phủ sóng truyền hình số mặt đất DVB-T2 tại các thành phố Hà Nội, Hải Phòng, TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ và một số địa bàn các tỉnh lân cận đã bao phủ và lớn hơn vùng phủ sóng các kênh truyền hình tương tự trước đây. Chất lượng hình ảnh, âm thanh các kênh chương trình truyền hình của VTV và các kênh truyền hình địa phương tốt hơn nhiều sao với truyền hình tương tự mặt đất trước đây. Người dân ở các khu vực đã số hóa truyền hình đã thu xem được từ 30 – 70 kênh truyền hình miễn phí, trong đó có nhiều kênh theo chuẩn HD.

https://sdtv.vn/nhung-cau-hoi-thuong-gap/

Chia sẻ:

Quét mã để tải
SDTV app