Theo đề án số hóa truyền dẫn và phát sóng truyền hình mặt đất tới năm 2020, toàn quốc sẽ chuyển từ truyền hình analog sang truyền hình số mặt đất. Theo đó, khoảng 8,5 triệu ti vi của các gia đình sẽ không thu được tín hiệu nếu không lắp thêm đầu thu hình số mặt đất.
Số hóa truyền hình: 8,5 triệu gia đình ảnh hưởng
Người dân lại mất thêm một khoản để được xem truyền hình.
Bốn giai đoạn số hóa
Theo đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, lộ trình số hóa truyền hình ở Việt Nam sẽ trải qua bốn giai đoạn.
Giai đoạn một, năm thành phố trung ương gồm Hà Nội (cũ), Hải Phòng, thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Đà Nẵng sẽ phải chuyển từ truyền hình analog (bắt sóng truyền hình bằng ăng ten-PV) sang truyền hình số mặt đất hoàn toàn vào năm 2015.
Tiếp đó, năm 2016, 26 tỉnh thành trong đó có Hà Nội (mở rộng), Quảng Ninh, Thái Nguyên, Thái Bình, Hà Nam, Nam Định, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Hậu Giang, sẽ chuyển đổi hoàn toàn.
Giai đoạn ba, năm 2018, 18 tỉnh tiếp theo sẽ chuyển đổi hoàn toàn. Năm 2020, 15 tỉnh trung du miền núi phía Bắc và Tây Nguyên sẽ chuyển đổi, tiến tới cả nước dùng truyền hình số mặt đất.
Lý giải về vai trò của việc chuyển đổi từ truyền hình tương tự (analog) sang truyền hình số mặt đất, ông Đoàn Quang Hoan, Cục trưởng Cục Tần số – Vô tuyến điện (Bộ Thông tin & Truyền thông) cho biết, việc số hóa truyền hình mặt đất sẽ giúp chuyền tải chương trình truyền hình với chất lượng cao hơn, thu được các chương trình chuẩn HD (độ phân giải cao) và 3D (không gian ba chiều).
Việc số hóa cũng giúp sử dụng hiệu quả băng tần. Với truyền hình analog hiện nay, một kênh tần số chỉ phát được một chương trình truyền hình. Nếu dùng truyền hình số mặt đất theo công nghệ DVB-T2 (công nghệ dự kiến được sử dụng khi Việt Nam chuyển sang truyền hình số), một kênh tần số có thể phát được 20 chương trình.
Theo ông Hoan, việc chuyển đổi truyền hình mặt đất tương tự sang truyền hình số mặt đất là xu hướng tất yếu, được thực hiện ở nhiều nước trên thế giới.
Thay máu toàn bộ
Bên cạnh lợi ích từ số hóa truyền hình mặt đất mang lại, ông Hoan lưu ý việc chuyển đổi này sẽ có tác động xã hội rất lớn, liên quan đến hàng chục triệu hộ đang dùng truyền hình ở Việt Nam. “Số lượng người dùng truyền hình ở Việt Nam lớn hơn cả số người dùng dịch vụ viễn thông”, ông Hoan nói.
Theo số liệu điều tra về các phương thức thu xem năm 2010, cả nước có 2,6 triệu hộ dùng truyền hình cáp và 3,3 triệu hộ dùng truyền hình qua vệ tinh; còn lại 8,5 triệu hộ dùng truyền hình analog, chủ yếu tập trung ở nông thôn, miền núi.
Theo ông Hoan, khi chuyển sang truyền hình số mặt đất, 8,5 triệu tivi analog hiện nay sẽ không thể thu hình được. Hiện cả nước chỉ có rất ít hộ sử dụng truyền hình AVG là có đầu thu số mặt đất đáp ứng tiêu chuẩn số hóa truyền hình.
Ngay cả với các đầu thu của VTC theo công nghệ DVB hiện nay, cả tivi analog cũng không thu được. Các gia đình sẽ phải mua thêm bộ thu số mặt đất. Mỗi một tivi chỉ tích hợp được với một bộ đầu thu. Như thế, dự kiến, 8,5 triệu hộ dân sẽ phải trang bị thêm đầu thu số mặt đất nếu muốn xem truyền hình.
Mức giá mỗi đầu thu hiện khoảng 400-500 nghìn đồng. Nếu đầu thu được tích hợp với tivi thì giá thành còn khoảng 7-10 USD (140-200 nghìn đồng). Dù tích hợp đầu thu hay không, các hộ nghèo và cận nghèo nhất định bị ảnh hưởng nếu không được Nhà nước hỗ trợ.
Với các nhà sản xuất tivi, theo Thứ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông Lê Nam Thắng, Bộ vừa có thông tư quy định thời điểm tích hợp chức năng thu truyền hình số mặt đất với tivi sản xuất và nhập khẩu ở VN.
Theo đó, từ ngày 1/4/2014, các loại tivi sử dụng công nghệ màn hình LCD, PDP, LED, OLED có kích thước 32 inch trở lên sẽ phải tích hợp chức năng thu truyền hình số mặt đất theo tiêu chuẩn DVB-T2.
Với màn hình dưới 32 inch sẽ bắt đầu áp dụng từ 1/4/2015. Riêng với tivi sử dụng công nghệ màn hình CRT không quy định bắt buộc tích hợp chức năng thu truyền hình số mặt đất.
Theo Genk.vn