Đà Nẵng: Đề xuất miễn cước gọi đến tổng đài tư vấn về số hóa truyền hình

Đà Nẵng: Đề xuất miễn cước gọi đến tổng đài tư vấn về số hóa truyền hình

Đà Nẵng đề xuất Bộ TT&TT xem xét sử dụng hạ tầng đầu số giải đáp thông tin về số hóa truyền hình của Đà Nẵng (0511 1022) làm tổng đài giải đáp thông tin về số hóa truyền hình trên toàn quốc. Đồng thời, đề xuất có cơ chế miễn cước gọi đến đầu số này cho người dân cả nước.

Tổng đài giao tiếp điện tử của Đà Nẵng đã thực hiện giải đáp thông tin về số hóa truyền hình khi Đà Nẵng triển khai thí điểm số hóa truyền hình vừa qua.

Sở TT&TT TP Đà Nẵng mới có văn bản đề nghị Bộ TT&TT xem xét sử dụng hạ tầng Tổng đài giao tiếp điện tử Đà Nẵng; đầu số giải đáp thông tin về số hóa truyền hình (0511 1022) làm tổng đài giải đáp thông tin về số hóa truyền hình trên toàn quốc. Đặc biệt là trong thời điểm tắt sóng truyền hình analog tại 4 thành phố Hà Nội, Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Hải Phòng và 19 tỉnh lân cận với 4 thành phố này trong thời gian tới.

Tổng đài giao tiếp điện tử Đà Nẵng đã vận hành được 5 năm và thực hiện giải đáp hàng nghìn cuộc gọi đến về quy định chính sách, hướng dẫn thực hiện dịch vụ công; thực hiện dịch vụ tổng đài chăm sóc khách hành cho doanh nghiệp ngoài; tổng đài cung cấp thông tin chuyên đề… Tổng đài có khả năng tiếp nhận và giải đáp đồng thời cùng lúc 120 cuộc gọi; mỗi ngày bảo đảm xử lý hơn 100.000 cuộc gọi trong suốt 3 ca.

Từ tháng 9/2014, Tổng đài giao tiếp điện tử Đà Nẵng đã mở Kênh giải đáp số hóa truyền hình mặt đất phục vụ người dân Đà Nẵng và khu vực Bắc Quảng Nam (lúc đầu dùng số 1900 94 96, hiện tại sử dụng số 0511 1022).

 Đề xuất của Đà Nẵng được đưa ra trong bối cảnh thời điểm tắt sóng truyền hình analog tại 4 thành phố lớn đang cận kề. Trong khi dự án thiết lập Tổng đài hỗ trợ giải đáp, tư vấn thông tin về số hóa truyền hình mặt đất cho nhân dân tại 4 thành phố và 19 tỉnh lân cận chưa được thiết lập.

Tại cuộc họp bàn về số hóa truyền hình diễn ra hôm 8/12, đề xuất của Đà Nẵng nhận được nhiều ý kiến ủng hộ. Ông Đoàn Quang Hoan, Cục trưởng Cục Tần số vô tuyến điện cho rằng, dự án đầu tư tổng đài hỗ trợ giải đáp thông tin về số hóa truyền hình của Bộ TT&TT không thể thực hiện ngay trong vài tháng tới. Do đó, để phục vụ cho số hóa truyền hình tại 23 tỉnh, thành tới đây việc dùng hệ thống tổng đài của Đà Nẵng là phương án tối ưu nhất và cũng là phương án duy nhất ở thời điểm hiện tại.

Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Hồng Hải giao cho Cục Viễn thông xem xét về phương án kỹ thuật, năng lực và chi phí vận hành, khai thác nếu sử dụng Tổng đài giao tiếp điện tử của Đà Nẵng để làm tổng đài giải đáp thông tin số hóa truyền hình trên toàn quốc, nhất là trong giai đoạn triển khai số hóa truyền hình tại 4 thành phố và 19 tỉnh lân cận. Thứ trưởng yêu cầu phải làm rõ lưu lượng đáp ứng được cuộc gọi đến của Tổng đài là bao nhiêu, trong trường hợp sử dụng cho người dân cả nước gọi đến có bị quá tải hay không. Việc mở rộng cho người dân toàn quốc gọi đến thì sẽ liên quan đến cước gọi đến, vậy phương án tính cước thế nào?

Một yếu tố mà nhiều người băn khoăn là sự khác biệt về giọng nói của người dân giữa các vùng miền, do đó có cần thiết phải có nhân viên của 3 vùng miền, phân vùng theo giọng nói để giải đáp cho người dân hay không.

Trao đổi với ICTnews về vấn đề này, ông Nguyễn Hoàng Cẩm, Phó Giám đốc Sở TT&TT TP Đà Nẵng cho rằng, nếu chấp thuận đề xuất của Đà Nẵng,  Bộ TT&TT cần xem xét phương án miễn cước phí gọi đến Tổng đài giải đáp thông tin về số hóa truyền hình để tạo thuận lợi cho người dân các tỉnh, thành gọi đến.

Khi Đà Nẵng triển khai số hóa truyền hình, trung bình mỗi ngày có gần 200 lượt gọi đến đầu số hotline 0511.1022 (hoặc 1900 94 96) để yêu cầu giải đáp thông tin về số hóa truyền hình.

Theo ICTnews

Chia sẻ:

Quét mã để tải
SDTV app