Việc sử dụng “duy nhất một cơ sở dữ liệu” cho toàn bộ quy trình sản xuất thông tin khép kín, Truyền hình Thông tấn (Vnews) đã giảm tối đa chi phí sản xuất, tiết kiệm nhân lực, công khai, minh bạch và khẳng định là đơn vị đi đầu trong lĩnh vực chuyển đổi số (CĐS), áp dụng công nghệ vào sản xuất phát thanh truyền hình (PTTH) tại Việt Nam.
Vnews nỗ lực số hóa quy trình sản xuất, lan tỏa thông tin tới khán giả
Trung tâm Truyền hình Thông tấn (Vnews) có nhiệm vụ kết hợp với các đơn vị thông tin trong ngành và mạng lưới cơ quan thường trú Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) trong và ngoài nước, cung cấp tin và các bản tin truyền hình cho các đài truyền hình và các cơ quan truyền thông khác có nhu cầu trong và ngoài nước. Ngoài chức năng cung cấp thông tin nguồn, Trung tâm Truyền hình Thông tấn còn là đơn vị chủ lực trong việc phát Kênh truyền hình Thông tấn Trung tâm.
Vnews còn là một trong hai cơ quan (cùng với Đài Truyền hình Việt Nam – VTV) được Nhà nước giao chức năng biên tập nội dung các kênh truyền hình nước ngoài phát trên lãnh thổ Việt Nam. Theo thống kê, các bản tin, chuyên mục phát trong 24h của Vnews gồm: Bản tin thời sự (24 bản tin), Bản tin tiếng Trung, Anh có hàng ngày, Bản tin tiếng Tây Ban Nha, Pháp hàng tuần. Cùng với đó, 15 chuyên mục trong đó khoảng 1/3 phát mới còn lại là phát lại. Tỷ lệ tin, phản ánh, phóng sự chính luận chiếm: 30% cơ cấu bản tin chính và 20% ở các bản tin phụ (chỉ tính trong nước).
Tác nghiệp tại Truyền hình Thông tấn. Ảnh: Vnews
“Truyền hình Thông tấn đã đi đầu trong nỗ lực số hóa quy trình sản xuất, nhằm nâng cao hiệu quả tác nghiệp, lan tỏa thông tin Vnews rộng hơn tới khán giả. Năm 2016, Truyền hình Thông tấn bắt đầu áp dụng hệ thống tác nghiệp MAM trong toàn bộ quy trình tổ chức sản xuất thông tin của đơn vị. Đây là một công cụ thúc đẩy CĐS không thể thiếu với bất kỳ đài truyền hình nào trong thời đại 4.0. Hệ thống quản lý tài nguyên số MAM (Media Asset Management) được xây dựng khép kín từ khâu tiền kỳ, phát sóng đến phân phối đa nền tảng theo quy tắc “nhập liệu một lần duy nhất””, Trưởng phòng Quốc tế – Vnews Hoàng Minh Nga chia sẻ.
Theo Vnews, toàn bộ công tác quản lý, điều hành, giám sát tiến độ công việc cho đến quản lý định mức đều được thực hiện trên hệ thống. Năm 2022, Trung tâm này đã nâng cấp các tính năng mới và mở rộng hệ thống phân tán tại chi nhánh Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh giúp hệ thống có tính dự phòng cao, tiến tới sản xuất bản tin trực tiếp tại các chi nhánh.
Năm 2023, hệ thống MAM được áp dụng cho toàn bộ cơ quan thường trú (CQTT) trong và ngoài nước. Qua đó, các CQTT có thể kiểm soát được toàn bộ trạng thái thông tin của mình, từ việc duyệt đề tài, biên tập, phát sóng, định mức…
Vnews minh bạch, hiệu quả từ quy trình sản xuất thông tin trên MAM
Được biết, quy trình sản xuất tin, phóng sự được thực hiện theo luồng công việc. Phóng viên (PV) đăng ký đề tài trên MAM. Sau đó lãnh đạo phòng sẽ duyệt hoặc từ chối. Đề tài được lãnh đạo phòng duyệt PV sẽ xây dựng kịch bản và được đẩy lên Hội đồng Biên tập duyệt (HĐBT) hoặc từ chối.
Khi kịch bản đề tài được HĐBT duyệt, PV sẽ đăng ký máy quay, xe và đi tác nghiệp. Quay phim đổ hình trên MAM theo tên đề tài. PV thực hiện viết lời bình trên MAM và sửa đề tài cho đúng với tên sản phẩm. Text sản phẩm sẽ được lãnh đạo phòng duyệt và ấn thông qua. Lúc này PV sẽ tiến hành đọc dựng trên MAM. Sản phẩm hoàn thiện sẽ được lãnh đạo phòng duyệt và ấn thông qua clip. Lãnh đạo Trung tâm được can thiệp vào tất cả các khâu trong quy trình trên.
Tương tự như quy trình sản xuất tin, phóng sự, quy trình sản xuất chuyên mục diễn ra từ việc PV đăng ký và sản xuất. Sau đó tạo lập vỏ chuyên mục và sắp xếp tin bài theo thứ tự hợp lý. Lãnh đạo phòng chịu trách nhiệm duyệt chuyên mục sẽ ấn nút duyệt vỏ chuyên mục. PV chịu trách nhiệm tổ chức sản xuất chuyên mục sẽ phối hợp cùng bộ phận kỹ thuật ghép thành chuyên mục.
Đối với quy trình sản xuất bản tin, HĐBT quyết định những tin chính và tin, phóng sự “đinh” phát trong bản tin; Tổ chức sản xuất tạo lập vỏ bản tin và sắp xếp tin bài theo thứ tự hợp lý; Phối hợp cùng trợ lý sản xuất, đồ họa, kỹ thuật trường quay, người dẫn chương trình ghi hình theo vỏ bản tin đã sắp xếp.
Theo đánh giá của Phòng Quốc tế (Vnews), thuận lợi trong việc điều hành sản xuất với hệ thống phần mềm mới đó là nắm bắt được tầm quan trọng của việc ứng dụng công nghệ thông tin vào sản xuất thông tin nên việc chỉ đạo đưa hệ thống MAM vào sản xuất là rất sát sao.
Tuy nhiên, khó khăn đến từ việc đào tạo người dùng do thói quen đang sử dụng những thiết bị, phần mềm thô sơ không có kết dính với nhau nên khi đưa hệ thống MAM vào hoạt động phải đào tạo người dùng để làm quen với hệ thống một cách nhanh nhất. Do hệ thống hoạt động 24/7. Vì vậy, cần có những kỹ sư có chuyên môn rất tốt về công nghệ thông tin để đảm bảo hệ thống hoạt động tốt và khai thác có hiệu quả những ưu điểm của hệ thống.
Vnews tin tưởng sự khác biệt và tính ưu việt của MAM
Qua thực tế thời gian vận hành và sử dụng hệ thống MAM đã thể hiện rõ tính ưu việt của nó so với các phần mềm khác đã được sử dụng ở Vnews.
“Việc quản lý thông tin trên hệ thống theo mô hình khép kín từ tiền kỳ, hậu kỳ đến phát sóng. Sự khác biệt lớn nhất là mức độ bao sân của phần mềm. Không chỉ dừng lại ở một phần mềm quản lý media thông thường, hệ thống MAM đã mở rộng ra cho phép quản lý toàn bộ các công việc liên quan tới media. Nhờ sự khác biệt đó, phần mềm tạo ra một sự kết nối đồng bộ giữa các khâu và tận dụng được toàn bộ thông tin nhập vào hệ thống để quản lý một cách thuận tiện. Mỗi thông tin của đơn vị chỉ cần một lần nhập liệu duy nhất. Dữ liệu này sẽ được tất cả các module liên quan sử dụng. Trong quá trình hoạt động, các dữ liệu tự động được tạo ra cũng góp phần tích cực vào việc tự động hoá quá trình khác”, Trưởng phòng Quốc tế, Vnews khẳng định.
Trưởng phòng quốc tế VNews lấy ví dụ thông tin về một chương trình được lên sóng sẽ kích hoạt phần mềm tính lượng sản phẩm, đảm bảo tác giả và những người tham gia sẽ được tính nhuận bút ngay lập tức khi chương trình được lên sóng.
Những người vận hành MAM tại Vnews cũng cho rằng, mức độ mở của phần mềm cũng là một yếu tố không thể bỏ qua. Kết cấu của phần mềm cho phép phần mềm có thể được mở rộng với các module bất kỳ bởi bất kỳ đơn vị nào. Nhờ đó, phần mềm luôn có khả năng cập nhật tính năng mới để đáp ứng yêu cầu đa dạng và luôn thay đổi của đơn vị.
Việc tích hợp hệ thống được với toàn bộ các hệ thống thiết bị đã được đầu tư trước đó như hệ thống lưu trữ lâu dài LTO hay hệ thống lưu trữ ổ cứng EditShare cho phép đơn vị tiết kiệm được nhiều chi phí và đảm bảo nâng được hiệu quả đầu tư của các dự án quá khứ. Đây thật sự là sự khác biệt khi các hệ thống phần mềm khác đã đầu tư đều rất khó khăn trong việc tích hợp với các hệ thống cũ, một số trường hợp thậm chí là không thể mặc dù chỉ tiêu kỹ thuật thể hiện là có thế.
Để vận hành quy trình mới, lãnh đạo Vnews đã và sẽ duyệt đề tài ngay trên MAM ở mọi lúc, mọi nơi; Giao đề tài trực tiếp trên hệ thống MAM mà không phải chờ đến khi họp HĐBT; Can thiệp trực tiếp ngay từ khâu viết lời bình của PV, có thể góp ý trực tiếp cho PV khi PV đang viết lời bình, từ đó tránh được tình trạng phải sửa đi sửa lại nhiều lần sau khi PV đã dựng thành thành phẩm…
Như vậy, với việc sử dụng “duy nhất một cơ sở dữ liệu” cho toàn bộ quy trình sản xuất thông tin khép kín, Vnews đã giảm tối đa chi phí sản xuất, tiết kiệm nhân lực, công khai, minh bạch và khẳng định là đơn vị đi đầu trong lĩnh vực CĐS, áp dụng công nghệ vào sản xuất PTTH tại Việt Nam./.
Nguồn: ictvietnam