Thái Nguyên kêu khó khăn khi xóa vùng lõm sóng truyền hình

Thái Nguyên kêu khó khăn khi xóa vùng lõm sóng truyền hình

Thái Nguyên có nhiều vùng lõm sóng truyền hình nên gặp khó khăn khi triển khai hạ tầng truyền hình số mặt đất DVB-T2. Do đó, chưa có một đơn vị truyền dẫn phát sóng nào có thể thực hiện được yêu cầu phủ sóng 95% địa bàn Thái Nguyên mà tỉnh này đưa ra.

Xe tần số đo kiểm sóng truyền hình số.

 

Tại Hội nghị truyền dẫn, phát sóng các kênh truyền hình thiết yếu của địa phương trên hạ tầng truyền hình số mặt đất khu vực Bắc Bộ do Bộ TT&TT tổ chức vào chiều ngày 23/2/2017, ông Vũ Quốc Thạnh, Giám đốc Sở TT&TT Thái Nguyên cho hay, hiện nay Thái Nguyên gặp khó khăn lớn nhất khi triển khai số hóa truyền hình là vấn đề phủ sóng. UBND tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức họp 2 lần, giao cho Đài PT-TH mời các công ty, các đơn vị phát sóng để bàn bạc và cam kết cung cấp dịch vụ phát sóng cho Thái Nguyên trong quá trình thực hiện số hóa truyền hình. Tỉnh Thái Nguyên yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ phải cam kết phủ sóng 95% địa bàn tỉnh, nhưng cả ba đơn vị là VTV, VTC, AVG đều không thể cam kết phủ sóng 95% địa bàn Thái Nguyên.

 “Về yêu cầu phủ sóng 95%, Thái Nguyên lựa chọn đơn vị nào cũng được nhưng phải đáp ứng được tiêu chí này, nhưng đến nay vẫn chưa có đơn vị nào có khả năng đảm bảo”, ông Thạnh cho hay.  

Thái Nguyên là địa bàn khó khăn, hiện nay khi phát sóng truyền hình analog tại tỉnh Thái Nguyên có 1 trạm chính và 5 trạm phát lại, nhưng ở huyện Định Hóa vẫn còn còn 4 xã không có sóng truyền hình analog. Hiện tại VTV đang phát sóng kênh truyền hình Thái Nguyên trên hạ tầng DVB-T2 từ trạm phát sóng đặt tại Tam Đảo. Còn công ty RTB đồng ý cho lắp 1 trạm phát chính trung tâm Thái Nguyên. VTV cũng chỉ cam kết hỗ trợ  phủ sóng 1 phần huyện Đại Từ và Định Hoa, các huyện Võ Nhai, Phú Lương vẫn đạt tỷ lệ phủ sóng rất thấp, nên nếu có lắp thêm 5 trạm phát lại sóng truyền hình số thì tính ra cũng chưa phủ sóng được 90% địa bàn tỉnh.

Liên quan đến việc lựa chọn đơn vị phát sóng truyền hình số cho kênh truyền hình thiết yếu của Thái Nguyên, ông Thạnh cho hay, với quy hoạch về tần số thì VTV sẽ không thể nào phát sóng miễn phí cho các đài địa phương mãi được. Do đó nếu một việc không chắc chắn thì Sở TT&TT không thể tham mưu cho tỉnh lựa chọn VTV làm đơn vị truyền dẫn phát sóng được. Tuy nhiên, ông Thạnh cũng đề nghị, Bộ TT&TT cần có chỉ đạo sâu hơn nữa trách nhiệm của hai đơn vị nhà nước là VTV và VTC trong việc tham gia truyền dẫn phát sóng truyền hình số. Cũng như tăng đầu tư của nhà nước để hai đơn vị này chịu trách nhiệm phát sóng truyền hình số cho các địa phương.

Bà Lại Thị Bích, Ủy viên Hội đồng quản trị Công ty RTB cho hay, hiện tại RTB đã lắp được 6 trạm phát chính ở đồng bằng Bắc Bộ và sẽ thiết lập đường truyền và phát 1 trạm chính ở Thái Nguyên từ tháng 3. Như vậy sóng truyền hình số của RTB đã phủ được 80% của 14 tỉnh thuộc đồng bằng Bắc Bộ, hiện tại RTB cũng đã thiết lập mạng đơn tần nên khi các kênh đưa lên hệ thống của RTB đều phủ hết 14 tỉnh trong khu vực. RTB cũng đã có kế hoạch lắp thêm một trạm phát công suất lớn ở Núi Lản (Thái Nguyên).

Liên quan đến vấn đề phủ sóng vùng lõm mà ông Thạnh nêu ra, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm cho hay, Ban chỉ đạo Số hóa truyền hình đã quyết định, đối với những địa bàn không bằng phẳng thì chỉ tắt sóng ở các trạm phát chính, còn các trạm phát lại vẫn phát sóng analog khi số hóa truyền hình giai đoạn 2. Do đó, các tỉnh cũng hết sức lưu ý khi tuyên truyền thì phải nêu rõ những địa phương tắt sóng, mà không tuyên truyền tắt sóng truyền hình trên toàn tỉnh. Những địa bàn nào chưa tắt sóng trong đợt 1/7/2017 cũng cần được nói rõ để người dân được biết.

Ban chỉ đạo Số hóa truyền hình cũng đã đề xuất sửa đổi Quyết định 2451 của Thủ tướng Chính phủ để tháo gỡ một số khó khăn khi triển khai Đề án Số hóa truyền hình, trong đó có việc sẽ hỗ trợ đầu thu truyền hình vệ tinh cho hộ nghèo, cận nghèo ở những vùng lõm sóng truyền hình.

 

Chia sẻ:

Quét mã để tải
SDTV app