Các nội dung tuyên truyền về đề án số hóa truyền hình trong thời gian tới sẽ cố gắng ngắn gọn, đơn giản, tập trung vào những mối quan tâm “sát sườn” của người dân khi chuyển đổi đầu thu như họ có thể xem được “phim gì, chương trình gì”.
Thứ trưởng Phan Tâm chủ trì Hội thảo. Ảnh: T.C
Rất nhiều vấn đề liên quan đến việc tuyên truyền cho đề án số hóa truyền hình mặt đất giai đoạn 2 (2016-2020) đã được đưa ra thảo luận tại Hội thảo về chủ đề này chiều nay, 1/6, tại Hà Nội. Trong đó, nổi lên nhất là câu chuyện xác định đối tượng trọng tâm tuyên truyền trong giai đoạn này là ai, nội dung tuyên truyền ra sao? Phương thức tuyên truyền là gì để đạt được hiệu quả cao nhất.
“Dân cần gì thì ta tập trung vào đấy!”
Quan điểm này được ông Lê Văn Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Tần số – đơn vị thường trực của Ban chỉ đạo Đề án số hóa nhấn mạnh tại Hội thảo. Ông Tuấn cho rằng, đối tượng cần tập trung tuyên truyền đợt 2 chính là các hộ dân đang xem truyền hình analog các địa phương, và nội dung tuyên truyền cần đi vào hậu cần. “Dân cần gì thì ta tập trung đi vào nội dung đấy”, chẳng hạn như khi nào tắt sóng, nếu tắt thì các phương thức thu xem là gì? Họ có xem được những chương trình mình thích như phim ảnh, Euro 2016 không?
“Ta phải nói rõ cho người dân là họ xem được gì thì người ta mới quan tâm”, ông Tuấn nhắc lại. “Nếu nói nhiều quá đến những lợi ích như giải phóng băng tần cho 4G thì rất ít người nhớ hay để tâm đến”.
Trước đó, vị đại diện Cục Tần số cũng đã cung cấp một loạt số liệu đáng chú ý từ một cuộc khảo sát mới đây với các hộ gia đình đang xem truyền hình tương tự ở nhiều địa phương. Theo đó, chỉ có hơn 53% số hộ dạng này tại Hà Nội biết về đề án số hóa; so với Hòa Bình 33,4%; Hải Phòng 46%, Bắc Giang 53%, TP.HCM 45,3%. Đồng Tháp là tỉnh có tỷ lệ hộ dân biết về Đề án số hóa nhiều nhất, lên tới 98%.
“Dường như những hộ đang xem analog ở miền Nam biết đến số hóa truyền hình nhiều hơn phía Bắc. Ta có thể tham khảo kết quả khảo sát này để xác định địa bàn cần làm mạnh công tác tuyên truyền giai đoạn 2”, ông Tuấn đề xuất.
Đồng tình với ý kiến này, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm, người chủ trì cuộc Hội thảo nhấn mạnh rằng, việc giải thích đầy đủ, trọn vẹn cho các bên liên quan (từ địa phương, người dân cho đến doanh nghiệp truyền hình) hiểu, ủng hộ Đề án là rất quan trọng “để tạo sự đồng thuận cao trong xã hội”. Nếu người dân tự ý thức được về lợi ích của số hóa, từ đó tự nguyện chuyển đổi trước khi cần tới Nhà nước hỗ trợ thì sẽ giúp đẩy nhanh tiến trình số hóa, Nhà nước cũng tiết kiệm được nguồn lực. Băng tần thu hồi được từ truyền hình tương tự sẽ sớm được tái phân bổ cho những dịch vụ khác đạt hiệu quả kinh tế cao hơn.
Nhiều kết quả từ giai đoạn 1
Trước đó, ông Nguyễn Hà Yên, Phó Cục trưởng Cục PTTH & TTĐT đã báo cáo sơ bộ những kết quả đạt được của “Kế hoạch thông tin, tuyên truyền về số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất của Bộ TT&TT giai đoạn 2013 – 2015”.
Thứ trưởng: Nội dung tuyên truyền phải ngắn gọn, sát thực tế. Ảnh: T.C |
Trong giai đoạn này, Bộ đã tập huấn kiến thức về số hóa truyền hình cho 2200 lượt cán bộ lãnh đạo cơ quan báo chí, phóng viên, biên tập viên, cán bộ thông tin cơ sở cấp Quận, Huyện, Thị xã, Thị trấn của 5 thành phố trực thuộc Trung ương thuộc nhóm I và một số tỉnh lân cận thuộc nhóm II của lộ trình số hóa.
Cũng từ năm 2013, các cơ quan báo chí một mặt tạo điều kiện cho PV, BTV nâng cao kiến thức về số hóa truyền hình, mặt khác đã mở các chuyên trang, chuyên mục đăng phát thông tin về số hóa truyền hình, điển hình như Báo Nhân dân, VTV, VOV, Đài TH KTS VTC, Báo điện tử Chính phủ, Vietnamnet, Dân trí, VNexpress, báo Bưu điện VN, Báo Hà Nội mới, Sài gòn giải phóng…
Hoạt động tuyên truyền ngoài trời bắt đầu triển khai từ năm 2015, năm bản lề chuẩn bị kết thúc phát sóng truyền hình tương tự tại 5 TP trực thuộc TW. Tại Hà Nội và Đà Nẵng, từ tháng 4/2015 đến hết tháng 10/2015 đã triển khai quảng cáo tấm lớn ngoài trời và trên các tuyến xe bus nội đô.
Một điểm nhấn quan trọng của giai đoạn này là Bộ đã chọn được mẫu biểu trưng số hóa truyền hình và hiện mẫu biểu trưng này đang được sử dụng rộng rãi trên thị trường, trên các nội dung tuyên truyền. Các nhà mạng cũng hỗ trợ tích cực cho công tác tuyên truyền khi tại mỗi thời điểm quyết định ngừng sóng analog tại địa phương như Đà Nẵng, Bắc Quảng Nam, nhà mạng lại nhắn tin tuyên truyền đến các thuê bao tại địa bàn có ảnh hưởng. Tổng đài hỗ trợ của địa phương như 0511 1022 của Đà Nẵng cũng phát huy hiệu quả đáng ghi nhận.
Tuyên truyền có trọng điểm
Theo Thứ trưởng Phan Tâm, việc tổng kết, đánh giá kết quả của giai đoạn 1, bao gồm cả những ưu điểm và hạn chế, những gì đã làm được và chưa làm được là hết sức cần thiết để rút kinh nghiệm xây dựng kế hoạch tuyên truyền giai đoạn 2 đạt hiệu quả cao nhất. “Nguyên tắc chung của giai đoạn hai là kế thừa những gì đã làm tốt của giai đoạn 1, đồng thời tiết kiệm và hiệu quả”.
Chính vì thế, định hướng cho giai đoạn 2, ông yêu cầu Viện Chiến lược (đơn vị chủ trì xây dựng kế hoạch tuyên truyền) bổ sung thêm các số liệu khảo sát hộ gia đình về mức độ nhận biết đến đề án, cũng như ước tính kinh phí hỗ trợ của các địa phương… Những thông tin này sẽ giúp Ban chỉ đạo có được cái nhìn sát với thực tế, nhất là trong vấn đề nguồn lực, thực trạng, từ đó đánh giá đâu là phương thức hiệu quả nhất, tránh đầu tư dàn trải.
“Tinh thần cần tuân thủ là làm có trọng tâm, trọng điểm, thiết thực, cụ thể, hiệu quả hơn, đẩy mạnh phối kết hợp, lồng ghép giữa trung ương và địa phương, giữa đơn vị sản xuất nội dung với đơn vị phân phối thông tin”, Thứ trưởng yêu cầu.
Ông cũng khẳng định, trọng tâm đó chính là tuyên truyền tới người dân đang xem truyền hình tương tự những thông điệp “thiết thực, ngắn gọn, dễ hiểu, đánh trúng những gì họ cần và để lại được ấn tượng tích cực trong lòng người dân”. Các phương thức cần chú trọng là thông tin cơ sở, có sự điều chỉnh, tùy biến theo từng vùng miền, ngoài ra cũng cần chú ý đến các kênh Internet, viễn thông, hoặc thông tin truyền tải đến người dân khi Nhà nước hỗ trợ lắp đặt đầu thu. Đây sẽ là 3 phương thức tuyên truyền chính trong giai đoạn 2.
Theo mục tiêu của kế hoạch tuyên truyền giai đoạn 2, tại thời điểm 1 năm trước khi tắt hoàn toàn sóng analog trên địa bàn, hầu hết các cán bộ thông tin cơ sở, nhân viên kinh doanh thiết bị truyền hình tại các cửa hàng điện máy địa phương cần được tập huấn về lợi ích, thời điểm tắt sóng, các nội dung và kiến thức cơ bản của việc chuyển đổi từ analog sang truyền hình số mặt đất.
Còn tại thời điểm 6 tháng trước khi tắt sóng, hầu hết số dân có máy thu hình tại địa phương cần được phổ biến và nắm được thông tin cần thiết về việc chuyển đổi. Đến năm 2020, hầu hết người dân trên cả nước phải nắm được nội dung này qua các hình thức tuyên truyền khác nhau.
Dự kiến tới đây, kể từ ngày 15/6, 3 TP lớn là Hà Nội, TP.HCM và Cần Thơ sẽ tiến hành tắt sóng mềm 7 kênh truyền hình không thiết yếu và tiến tới 4 Thành phố lớn (có thêm Hải Phòng) tắt sóng hoàn toàn các kênh analog còn lại từ ngày 15/8.