Sẽ trang bị đầu thu số cho người nghèo trước ngày tắt sóng “mềm”1/3/2016

Sẽ trang bị đầu thu số cho người nghèo trước ngày tắt sóng “mềm”1/3/2016

Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích đang triển khai dự án hỗ trợ, trang bị cho hộ nghèo, cận nghèo tại 23 tỉnh, thành phố đầu thu truyền hình số DVB-T2 trước ngày tắt sóng “mềm” 1/3/2016.

Quỹ Dịch vụ Viễn thông công ích được giao triển khai Dự ám hỗ trợ, trang bị đầu thu cho các đối tượng hộ nghèo, cận nghèo theo chuẩn Trung ương khi triển khai số hóa truyền hình. Ảnh minh họa: Internet

Theo kế hoạch trước đây, từ 1/1/2016 sẽ ngừng phát sóng truyền hình tương tự tại 4 thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, TPHCM và Cần Thơ. Đây cũng là thời điểm diễn ra nhiều hoạt động chính trị lớn của đất nước, đặc biệt là Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII và nghỉ Tết nguyên đán. Để tạo thuận lợi nhất cho người dân thu xem truyền hình đối với các sự kiện văn hóa chính trị lớn, Bộ TT&TT đã xem xét lùi thời điểm tắt sóng truyền hình tương tự ở thời điểm thích hợp nhất.

Theo thông báo mới nhất của Bộ TT&TT, thời điểm ngừng phủ sóng truyền hình tương tự mặt đất tại 4 thành phố trực thuộc Trung ương bao gồm Hà Nội, Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Cần Thơ đã có thay đổi. Theo đó, từ ngày 1/3/2016, ngừng phủ sóng một số kênh truyền hình tương tự mặt đất, đến ngày 1/6/2016 sẽ ngừng phủ sóng truyền hình analog ở 4 TP này.

Từ ngày 1/3/2016, ngừng phủ sóng một số kênh truyền hình tương tự mặt đất tại thành phố Hà Nội, TP.HCM, Cần Thơ cụ thể như sau:

VTV6, H2, VTC9 tại Hà Nội; VTV6, VTV9, VTC9, HTV7 tại Hồ Chí Minh; VTV6, VTV Cần Thơ 1, VTV Cần Thơ 2, VTC9 tại Cần Thơ.

Tiếp đó, từ ngày 1/6/2016, ngừng phủ sóng toàn bộ các kênh truyền hình tương tự mặt đất còn lại tại 4 thành phố Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Cần Thơ. Hoàn thành số hóa truyền hình ở 4 thành phố lớn.

Theo tính toán của Cục Tần số vô tuyến điện, số hóa truyền hình ở 4 thành phố có vai trò đặc biệt quan trọng. Khi 4 thành phố tắt sóng truyền hình analog sẽ ảnh hưởng tới 19 tỉnh, thành sẽ số hóa truyền hình ở giai đoạn 2 và giai đoạn 3. Có một số tỉnh bị ảnh hưởng toàn bộ, có những tỉnh chỉ bị ảnh hưởng một phần.

Chính vì vậy khối lượng công việc phải triển khai khi số hóa truyền hình ở 23 tỉnh, thành trong giai đoạn này rất lớn, nhưng ở những giai đoạn sau, áp lực triển khai số hóa truyền hình sẽ giảm đi rất nhiều.

Trong một phát biểu mới đây, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Hồng Hải cho rằng, việc triển khai số hóa truyền hình ở 4 thành phố lớn có vai trò đặc biệt quan trọng, bởi gần như nhà nước đã hoàn thành số hóa truyền hình xong ở những tỉnh, thành lớn, đông dân cư nhất cả nước. Cục Tần số vô tuyến điện với vai trò Thường trực Ban chỉ đạo số hóa truyền hình sẽ phải tích cực triển khai nhiều công việc với các Bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố. Trước mắt phải tích cực tuyên truyền tới người dân về thời hạn tắt sóng truyền hình analog.

Thứ trưởng Phạm Hồng Hải cũng chỉ đạo, Quỹ Dịch vụ Viễn thông công ích dựa trên cơ sở xác định số lượng đầu thu truyền hình số mặt đất hỗ trợ cho các đối tượng hộ nghèo, cận nghèo tại 23 tỉnh, thành phố để triển khai mua sắm, sau đó phối hợp với các địa phương và đơn vị trúng thầu triển khai lắp đặt cho người dân.

Bên cạnh việc triển khai Dự án mua sắm dựa theo số liệu do các địa phương yêu cầu, Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích phải có dự phòng số lượng cần bổ sung thêm khi triển khai hỗ trợ thực tế. Rút kinh nghiệm từ Bắc Quảng Nam, sau khi tắt sóng truyền hình analog ở Đà Nẵng, tỉnh Quảng Nam đã đề nghị trợ cấp thêm 5.900 đầu thu cho các hộ nghèo, cận nghèo của 12 xã cũng bị ảnh hưởng bởi số hóa truyền hình ở Đà Nẵng.

“Những trường hợp cần bổ sung thêm như Quảng Nam, Quỹ Dịch vụ Viễn thông công ích sẽ vẫn phải hỗ trợ”, Thứ trưởng Phạm Hồng Hải nhấn mạnh.

Theo kế hoạch công tác năm 2016 của Quỹ Dịch vụ Viễn thông công ích, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của đơn vị là phải thực hiện tốt việc hỗ trợ đầu thu truyền hình số mặt đất theo Đề án số hóa truyền hình.

Theo đó, Quỹ Dịch vụ Viễn thông công ích đang phối hợp với Cục Tần số vô tuyến điện và các đơn vị khác để triển khai công tác hỗ trợ đầu thu cho các hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn 4 thành phố lớn và 19 tỉnh lân cận.

Đây là một đề án mua sắm lớn chưa từng có. Do đó việc triển khai cần phải bám sát các hướng dẫn, quy định của nhà nước, vừa phải đảm bảo đúng tiến độ của Đề án số hóa truyền hình quy định tại Quyết định 2451/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ..

Theo ông Phạm Văn Dũng, Giám đốc Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích, mục tiêu là sẽ trang bị cho hộ nghèo, cận nghèo tại 23 tỉnh, thành phố đầu thu truyền hình số DVB-T2 trước ngày tắt sóng “mềm” 1/3/2016.

Theo ICT News

Chia sẻ:

Quét mã để tải
SDTV app