Công ty SDTV đã lên tiếng đề nghị Bộ TT&TT cấp phép cho SDTV cung cấp dịch vụ truyền dẫn phát sóng truyền hình số mặt đất trên phạm vi toàn quốc, trước mắt cho phép SDTV mở rộng cung cấp dịch vụ truyền dẫn phát sóng cho các đài PT-TH khu vực miền Trung Tây Nguyên trên kênh tần số 35.
SDTV xin được phát sóng truyền hình số tại miền Trung Tây Nguyên
Trao đổi với ICTnews mới đây, ông Nguyễn Đức Hòa, Giám đốc công ty Truyền hình kỹ thuật số miền Nam (SDTV) cho biết, trong tháng 1/2017, SDTV sẽ chính thức có văn bản đề nghị Bộ TT&TT xem xét cấp giấy phép cho SDTV cung cấp dịch vụ truyền dẫn phát sóng truyền hình số mặt đất trên toàn quốc, trước mắt cho phép SDTV mở rộng cung cấp dịch vụ truyền dẫn phát sóng cho các đài PT-TH khu vực miền Trung Tây Nguyên trên kênh tần số 35. Tại buổi làm việc với Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm ở Vĩnh Long hồi giữa tháng 12/2016, SDTV cũng đã đưa ra đề nghị này.
SDTV là doanh nghiệp đã được cấp giấy phép thiết lập mạng và cung cấp dịch vụ truyền dẫn phát sóng tại khu vực Nam Bộ. SDTV đã triển khai 7 máy phát hình số tại khu vực miền Nam và phát sóng các kênh truyền hình số trên hai kênh tần số K33 và K34.
Liên quan đến việc phủ sóng truyền hình số phục vụ cho 3 tỉnh miền Nam tắt sóng truyền hình analog vào ngày 30/12/2016 là Bình Dương, Hậu Giang và Vĩnh Long, vào lúc 0h ngày 30/12/2016, SDTV đã chính thức phát sóng tại máy phát đặt tại Hậu Giang trên K34.
Ông Hòa cho hay, vào lúc 0h ngày 31/12/2016, hai máy phát hình số đặt tại Bình Dương và Vĩnh Long cũng chính thức đưa vào hoạt động.
Tại khu vực miền Trung và Tây Nguyên sẽ số hóa truyền hình theo giai đoạn 3 vào năm 2018, nhưng hiện tại một số tỉnh tại khu vực này đã sốt ruột về việc chuẩn bị cho thực hiện Đề án này.
Tại phiên họp giao ban quản lý nhà nước Bộ TT&TT đầu tháng 12, bà Trần Phạm Diệu Linh, Trưởng đại diện Văn phòng Bộ TT&TT tại khu vực miền Trung Tây Nguyên cho hay, các tỉnh miền Trung thuộc nhóm sẽ tắt sóng truyền hình analog vào giai đoạn 3 (vào cuối năm 2018) cũng đang rất quan tâm đến việc thực hiện đề án. Do đó, đề nghị Bộ TT&TT sớm có hướng dẫn cho các tỉnh miền Trung về công tác chuẩn bị cho số hóa truyền hình vào giai đoạn 3.
Tại hội thảo do Bộ TT&TT tổ chức hôm 23/12/2016, đại diện Sở TT&TT Quảng Trị cũng nêu ra việc hiện tại các tỉnh miền Trung chưa có đơn vị nào xây dựng hạ tầng truyền dẫn phát sóng truyền hình số để hỗ trợ cho các tỉnh thuộc nhóm 3 (tắt sóng truyền hình tương tự vào cuối năm 2018). Do đó, vị đại diện này đề nghị Bộ TT&TT sớm có giải pháp hỗ trợ các tỉnh miền Trung trong việc lựa chọn các đơn vị xây dựng hạ tầng truyền dẫn phát sóng, chuẩn bị cho triển khai đề án số hóa truyền hình.
Về vấn đề này, đại diện Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử cho hay, tại khu vực Nam Trung Bộ, hiện nay chưa có doanh nghiệp khu vực cung cấp dịch vụ truyền dẫn, phát sóng truyền hình số mặt đất. Trong thời gian tới, Bộ TT&TT sẽ thúc đẩy việc hình thành và cấp phép cho doanh nghiệp truyền dẫn, phát sóng truyền hình số mặt đất tại khu vực Nam Trung Bộ và sẽ thông báo cho các địa phương trong khu vực được biết.
Cũng theo vị đại diện này, hiện SDTV đang có nguyện vọng được thiết lập hạ tầng và cung cấp dịch vụ truyền dẫn phát sóng tại khu vực miền Trung Tây Nguyên, do đó sắp tới Bộ TT&TT sẽ xem xét nếu SDTV hoặc doanh nghiệp nào có đủ điều kiện sẽ cấp phép để triển khai hạ tầng ở khu vực miền Trung Tây Nguyên.
Tính đến thời điểm hiện tại, cả nước đã có 3 doanh nghiệp được cấp phép để cung cấp dịch vụ truyền dẫn phát sóng, trong đó AVG có giấy phép cung cấp dịch vụ trên toàn quốc, còn SDTV và RTB được cấp phép cung cấp dịch vụ tại hai khu vực Nam Bộ và Bắc Bộ.
Theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Số hóa truyền hình, cả nước sẽ có tối đa 3 doanh nghiệp được cấp phép cung cấp dịch vụ truyền dẫn phát sóng toàn quốc và 5 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trong phạm khu vực.