Sản xuất nội dung truyền hình: “Cuộc chơi” không cân sức
Có ý kiến cho rằng, nội dung chương trình truyền hình đang bị mất cân đối giữa chương trình phục vụ nhiệm vụ chính trị và chương trình thuần túy về giải trí, dẫn đến sự cạnh tranh không cân sức giữa các kênh truyền hình thiết yếu với các kênh truyền hình xã hội hóa.
Sản xuất nội dung truyền hình: “Cuộc chơi” không cân sức
Chương trình truyền hình liên kết được hình thành từ khi được nhà nước cho phép xã hội hóa truyền hình, tư nhân được quyền liên kết, liên doanh với nhà đài để sản xuất một phần (giờ phát sóng) hoặc toàn bộ sản phẩm truyền hình (kênh phát sóng). Nhà đài chịu trách nhiệm về nội dung, biên tập và truyền dẫn phát sóng; đơn vị liên kết lo đầu tư kinh phí, sản xuất chương trình.
Nếu liên kết để sản xuất phim hoặc chương trình phát sóng, đơn vị liên kết phải tự bỏ tiền sản xuất, mua bản quyền chương trình (hoặc phim) sau đó được nhà đài trả lại bằng các đoạn clip quảng cáo. Khi đơn vị liên kết nhận cả một kênh, ngoài kinh phí sản xuất, mua bản quyền còn phải trả cho nhà đài chi phí truyền dẫn phát sóng (con số này thường ở mức hàng chục tỷ đồng mỗi năm). Bởi vậy mới nói đầu tư làm truyền hình là cuộc chơi “đốt tiền” với bài toán sống còn trong việc thu hồi vốn, muốn vậy nhà đầu tư phải làm sao thu hút được càng nhiều quảng cáo càng tốt. Và những đơn vị liên kết thường chọn đầu tư sản xuất các chương trình giải trí để thu hút khán giả.
Vài năm lại đây, khán giả bắt đầu bội thực với hàng loạt chương trình giải trí có kịch bản na ná nhau trên các đài truyền hình từ trung ương đến địa phương: các cuộc thi hát, thi nhảy, chương trình hài… Và trong cuộc cạnh tranh ngày càng khắc nghiệt ấy, có đơn vị sẵn sàng làm ẩu, làm bừa, cố tình tạo scandal gây ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín của nhà đài; hoặc cạnh tranh mua nội dung vừa đẩy giá bản quyền lên cao, vừa khiến cho chương trình truyền hình trở nên mất cân đối, đơn điệu và hạn chế thẩm mỹ người xem truyền hình.
Theo giới làm truyền hình, các nhà quảng cáo thường tập trung quảng cáo nhiều vào những chương trình giải trí, trong khi các chương trình chính luận, phim tài liệu và ngay cả phim truyện cũng rất ít, khó kêu gọi được quảng cáo. Trong khi đó, nhiệm vụ chủ yếu của truyền hình, cũng như các loại hình báo chí khác, là tuyên truyền về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đến người dân… nhưng do tác động về kinh tế mà trên nhiều kênh truyền hình thiết yếu nội dung giải trí đã lấn át các nội dung thời sự, chính luận.