Trong ngày 15/8 đã có hơn 1188 cuộc gọi đến Tổng đài hỗ trợ 0511 1022, số liệu cuộc gọi trong ngày 16/8 (tạm tính đến 16h), đã có 1498 cuộc gọi được chuyển tiếp đến Tổng đài. Các cuộc gọi đều hỏi thông tin về đầu thu, các kênh truyền hình xem được sau khi chuyển đổi.
Ngày 16/8 có gần 1500 cuộc gọi tới Tổng đài giải đáp về số hóa truyền hình
Ngày 15/8, tại 4 thành phố lớn là Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Hải Phòng đã chính thức tắt sóng truyền hình tương tự (analog) và chuyển đổi sang truyền hình số. Theo báo cáo từ Cục Tần số vô tuyến điện (Văn phòng Ban chỉ đạo), sau một ngày tắt sóng, tình hình phủ sóng và thu sóng của truyền hình số rất tốt, thị trường đầu thu ổn định. Đặc biệt, đại đa số người dân tại 4 thành phố và 19 tỉnh lân cận đều đã nắm rõ được việc chuyển đổi và ủng hộ Đề án số hóa truyền hình của nhà nước.
Cũng theo báo cáo từ Trung tâm Thông tin, trong ngày 15/8 đã có hơn 1188 cuộc gọi đến Tổng đài hỗ trợ 0511 1022, số liệu cuộc gọi trong ngày 16/8 (tạm tính đến 16h), đã có 1498 cuộc gọi được chuyển tiếp đến Tổng đài. Các cuộc gọi đều hỏi thông tin về đầu thu, các kênh truyền hình xem được sau khi chuyển đổi.
Đại diện Sở TT&TT Đà Nẵng cho hay, do đã có sự chuẩn bị trước nên Tổng đài xử lý tốt tất cả các cuộc gọi từ người dân và trả lời, giải đáp đầy đủ thông tin để người dân hiểu rõ. Đánh giá chung về ngày đầu tắt sóng tại 04 thành phố TW, đại diện sở TT&TT Đà Nẵng cho hay tình hình thuận lợi hơn so với đợt Đà Nẵng tắt sóng thí điểm tháng 11/2015.
Riêng về việc hỗ trợ đầu thu, tại các địa phương đều cho biết đã hỗ trợ xong hết và người dân rất phấn khởi. Tại Hà Nội, sau cuộc họp với Ban chỉ đạo ngày 11/8, số lượng hộ nghèo, cận nghèo chưa được hỗ trợ là khoảng hơn 20 nghìn hộ. Tuy nhiên, đến ngày 15/8, Viettel đã lắp đặt xong 9400 đầu thu cuối cùng, và phía Quỹ Dịch vụ Viễn thông công ích cũng hoàn tất lắp đặt hơn 17.000 đầu thu còn lại. “Số lượng hộ chưa lắp được chỉ khoảng vài trăm, chủ yếu do chủ nhà vắng mặt hoặc lý do khách quan. Số còn lại, Hà Nội cũng khẳng định sẽ lắp nốt trong ngày 16/8”.
Tìm hiểu từ người dân trên địa bàn Hà Nội, cũng cho thấy rằng, đa số người dân đã nắm rõ được thông tin về việc chuyển đổi. Các hộ dân cũng cho biết, việc nắm rõ được thông tin này là do được tiếp cận với các thông tin trên tờ rơi, xem các clip thông báo trên truyền hình, qua hệ thống loa truyền thanh xã/huyện. Những nội dung này được truyền tải trực tiếp tới người dân là các vùng ven Hà Nội.
Về tình hình thu xem truyền hình sau khi tắt sóng analog của các hộ dân nghèo, cận nghèo trên địa bàn. Các tiêu chí kiểm tra khảo sát tập trung vào số lượng đầu thu được lắp đặt, chất lượng tín hiệu đầu thu, hoạt động, vận hành của các đầu thu do Viettel và Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích hỗ trợ cho các hộ. Kết quả cho thấy hầu hết đầu thu đều hoạt động ổn định, đáp ứng được các tiêu chí, yêu cầu đề ra.
Tại Hải Phòng và Cần Thơ, đại diện Sở TT&TT Hải Phòng và Sở TT&TT Cần Thơ chia sẻ rằng Sở TT&TT các tỉnh này chưa nhận được thông tin phản hồi nào của người dân về mặt trái hay là phàn nàn về hạn chế của truyền hình số. Việc thu sóng số trên địa bàn khá tốt và nhiều người hài lòng với chất lượng thu xem truyền hình. Sau khi tắt sóng, Sở TT&TT các tỉnh sẽ tiếp tục phối hợp với UBND các quận, huyện tuyên truyền, hướng dẫn bà con đang dùng tivi analog có thể chuyển sang xem truyền hình số bằng nhiều phương thức.
Đối với việc cung cấp đầu thu set-top box DVB-T2 trong hai ngày 15- 16/8 tình hình rất ổn định, không có dấu hiệu “cháy đầu thu” như đợt tắt mềm 15/6. Việc đầu thu ổn định cũng khẳng định là lý do là vì người dân cơ bản đã chuyển đổi xong phương thức thu xem trong thời gian tắt mềm vừa qua.
Bên cạnh đó, tại địa bàn 19 tỉnh lân cận, với những người dân có nhu cầu xem những kênh rất cơ bản như thời sự VTV1 thì vẫn có thể xem được do kênh địa phương tiếp sóng truyền hình trung ương nên mức độ ảnh hưởng không nhiều./.