Ngày 30/12/2016, đánh dấu triển khai thành công lộ trình số hóa truyền hình tại 13 tỉnh. Hãy cùng nhìn lại hành trình “khai tử” truyền hình tương tự mặt đất (truyền hình analog) tại 13 tỉnh, thành phố này.
Hành trình số hóa truyền hình analog tại 13 thành phố lớn
Theo Quyết định 2451/QĐ-TTg ngày 27/12/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất đến năm 2020, 5 thành phố lớn là: Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ phải hoàn thành số hóa và ngừng phát sóng truyền hình tương tự mặt đất trong giai đoạn 1.
Để chuẩn bị cho việc ngừng phát sóng truyền hình tương tự mặt đất theo giai đoạn 1, Ban chỉ đạo Đề án số hóa truyền hình Việt Nam đã chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương có liên quan chuẩn bị rất kỹ về mọi mặt: đảm bảo vùng và chất lượng phủ sóng truyền hình số mặt đất, công tác thông tin tuyên truyền, hỗ trợ đầu thu truyền hình số mặt đất, quản lý thiết bị thu truyền hình số mặt đất theo quy định, đảm bảo không làm gián đoạn việc thu xem các kênh truyền hình thiết yếu và lợi ích tối đa của người dân khi chuyển sang thu xem truyền hình số mặt đất.
Ngày 1/11/2015, Đà Nẵng là địa phương đầu tiên thí điểm tắt sóng truyền hình analog, trở thành thành phố đầu tiên của ASEAN triển khai thành công số hóa truyền hình. Cho đến 15/8/2016, 4 thành phố Hà Nội, Hải Phòng, TP.HCM và Cần Thơ đã tắt sóng thành công truyền hình tương tự mặt đất.
Giai đoạn 1 được coi là giai đoạn đặc biệt quan trọng vì khi phủ sóng truyền hình số mặt đất và ngừng phát sóng truyền hình tương tự mặt đất tại 5 thành phố trực thuộc Trung ương, không chỉ người dân tại 5 thành phố trực thuộc Trung ương mà người dân địa bàn lân cận thuộc 20 tỉnh khác (bao gồm Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, Vĩnh Phúc, Hòa Bình, Bắc Giang, Hà Nam, Quảng Ninh, Quảng Nam, Vĩnh Long, Hậu Giang, Bình Dương, Đồng Tháp, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Kiên Giang, Đồng Nai, Long An) nằm trong vùng bị ảnh hưởng cũng có thể thu xem được truyền hình số. Theo ước tính, dân số thuộc địa bàn chuyển đổi theo giai đoạn 1 của 25 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chiếm gần 50% dân số cả nước.
Tiếp đó, 8 tỉnh thuộc giai đoạn 2 là Bắc Ninh, Hà Nam, Hưng Yên, Vĩnh Long, Hậu Giang, Hải Dương, Vĩnh Phúc cũng hoàn thành lộ trình số hóa truyền hình.
Với sự phối hợp tích cực của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Bộ TT&TT đã hoàn thành việc hỗ trợ đầu thu truyền hình số mặt đất DVB-T2 cho các hộ nghèo, cận nghèo. Các hộ này có thể tiếp tục thu xem truyền hình số mặt đất sau khi ngừng phát sóng truyền hình tương tự mặt đất tại địa bàn.
Quỹ Dịch vụ Viễn thông công ích đã hỗ trợ cho 460.232 gia đình đủ điều kiện nằm trong vùng ảnh hưởng của việc tắt sóng truyền hình tương tự mặt đất tại 5 thành phố trực thuộc Trung ương. Trong đó, có 16.052 hộ nghèo, cận nghèo tại Đà Nẵng và Bắc Quảng Nam; 444.180 hộ nghèo, cận nghèo tại 4 thành phố Hà Nội, Hải Phòng, Cần Thơ và địa bàn của 19 tỉnh lân cận.
Ngoài số lượng hộ nghèo, cận nghèo theo tiêu chuẩn Trung ương được Bộ TT&TT hỗ trợ, thành phố Đà Nẵng đã chi nguồn ngân sách địa phương hỗ trợ đầu thu truyền hình số mặt đất cho 5.043 hộ nghèo, cận nghèo theo chuẩn của Đà Nẵng; Hà Nội hỗ trợ cho 12.018 hộ nghèo, cận nghèo theo chuẩn của Hà Nội.
Ở giai đoạn 2, Ban Quản lý Chương trình Viễn thông công ích được Bộ TT&TT giao nhiệm vụ tiếp tục hỗ trợ 79.922 bộ đầu thu DVB-T2 cho các hộ nghèo, cận nghèo phát sinh theo chuẩn mới tiếp cận đa chiều tại Bắc Ninh, Hà Nam, Hưng Yên, Vĩnh Long, Hậu Giang, Hải Dương, Vĩnh Phúc. Việc hỗ trợ cho các hộ nghèo, cận nghèo phát sinh tại 8 tỉnh trên sẽ hoàn thành trước ngày 30/12/2016.
Tính đến nay, Bộ TT&TT và các địa phương đã hỗ trợ đầu thu DVB-T2 cho hơn 550.000 hộ gia đình giúp người nghèo có điều kiện tiếp cận thông tin trên sóng truyền hình.
VTV đã triển khai mạng phát sóng truyền hình số DVB-T2 tại Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Bình Dương, Cần Thơ.
Khu vực đồng bằng Bắc Bộ: VTV đã triển khai 11 máy phát DVB-T2, trong đó có 06 máy phát chính cho khu vực đồng bằng Bắc Bộ.
Tại thành phố Đà Nẵng: VTV đã lắp đặt 3 máy phát DVB-T2, trong đó có 1 máy phát chính cho khu vực thành phố Đà Nẵng và 2 máy phát công suất nhỏ phủ sóng cho vùng lõm tại huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng.
Khu vực đồng bằng Nam Bộ: VTV đã triển khai 6 máy phát DVB-T2 trong đó có 05 máy phát chính cho khu vực đồng bằng Nam Bộ.
Vùng phủ sóng số DVB-T2 của VTV tại thành phố Đà Nẵng, khu vực đồng bằng Bắc Bộ và đồng bằng Nam Bộ khá rộng, bao trùm hầu hết vùng phủ sóng truyền hình tương tự mặt đất của VTV đang phát sóng tại 5 thành phố Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ.
Mạng truyền dẫn, phát sóng của VTV đang phát sóng 9 kênh chương trình của VTV trong đó có 6 kênh chương trình HD.
Công ty AVG đã triển khai 32 trạm phát sóng truyền hình số mặt đất DVB-T2 và phủ sóng toàn bộ khu vực Bắc Bộ, Nam Bộ và một số tỉnh, thành phố miền Trung như Đà Nẵng, Bắc Quảng Nam, Khánh Hòa, truyền tải không khóa mã một số kênh chương trình phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin tuyên truyền thiết yếu.
Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC hiện vẫn phủ sóng truyền hình số mặt đất theo chuẩn DVB-T tại nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; truyền tải không khóa mã 24 kênh chương trình trong đó có một số kênh chương trình thiết yếu quốc gia và địa phương.
Tháng 8/2016, Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC đã phát sóng truyền hình số mặt đất DVB-T2 trên kênh tần số 31 tại Hà Nội truyền tải 04 kênh HD, 3 kênh SD.
Công ty TNHH Truyền hình kỹ thuật số Miền Nam (SDTV) đã triển khai phát sóng DVB-T2 tại khu vực đồng bằng Nam Bộ truyền tải các kênh chương trình thiết yếu của địa phương và các kênh chương trình khác. Vùng phủ sóng DVB-T2 rộng hơn vùng phủ sóng truyền hình tương tự mặt đất trước đây của Đài Truyền hình TP Hồ Chí Minh và Đài PT-TH Cần Thơ.
SDTV triển khai 7 máy phát DVB-T2 phủ sóng hầu hết cho khu vực thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Tiền Giang, Cần Thơ, Vĩnh Long, Hậu Giang, phần lớn địa bàn Long An; phủ sóng một phần địa bàn các tỉnh: Đồng Nai, Bà Rịa Vũng Tàu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang; 3 máy phát công suất nhỏ tại Côn Đảo phủ sóng cho huyện Côn Đảo, Bà Rịa Vũng Tàu.
Công ty cổ phần truyền dẫn, phát sóng truyền hình đồng bằng Sông Hồng (RTB) đã triển khai 5 máy phát hình số phát sóng DVB-T2, trong đó có 3 máy phát sóng chính tại Hà Nội, Hải Phòng, Hà Nam và 2 trạm phát sóng công suất nhỏ tại Hải Phòng truyền tải các kênh chương trình thiết yếu của địa phương và các kênh chương trình khác. Vùng phủ sóng DVB-T2 đã rộng hơn vùng phủ sóng truyền hình tương tự mặt đất của Đài PT-TH Hà Nội và Hải Phòng.
RTB phủ sóng toàn bộ địa bàn Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hà Nam, Hải Dương; phần lớn địa bàn Vĩnh Phúc
RTB Phủ sóng một phần các tỉnh Thái Bình, Ninh Bình, Nam Định, Phú Thọ, Thái Nguyên, Bắc Giang, Quảng Ninh.
Hiện có 859 sản phẩm máy thu hình có chức năng thu truyền hình số mặt đất DVB-T2 đã được tiếp nhận công bố hợp quy, 79 sản phẩm đầu thu truyền hình số mặt đất DVB-T2 đã được tiếp nhận công bố hợp quy.
Để tạo lập một thị trường thiết bị thu xem truyền hình số, Bộ TT&TT đã ban hành Thông tư số 07/2013/TT-BTTTT ngày 18/3/2013 quy định thời điểm tích hợp chức năng thu truyền hình số mặt đất đối với máy thu hình sản xuất và nhập khẩu để sử dụng tại Việt Nam và Thông tư số 05/2014/TT-BTTTT ngày 19/3/2014 quy định về danh mục sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ TT&TT.
Đến nay, các doanh nghiệp sản xuất và nhập khẩu máy thu hình tại Việt Nam đã thực hiện nghiêm túc, các quy định nêu trên. Các sản phẩm máy thu hình LCD, PDP, LED, OLED và các thế hệ tiếp theo được sản xuất sau ngày 1/4/2015 đều được tích hợp chức năng thu truyền hình số mặt đất DVB-T2/MPEG-4.
Danh sách các thiết bị thu truyền hình số mặt đất DVB-T2 đã được tiếp nhận công bố hợp quy thường xuyên đăng tải, cập nhật công khai trên chuyên trang thông tin điện tử www.sohoatruyenhinh.vn, giúp nhân dân có thể tìm hiểu thông tin và trang bị thiết bị thu truyền hình số mặt đất đảm bảo chất lượng theo quy định.
Trên cơ sở số liệu điều tra tỷ lệ hộ gia đình thu xem truyền hình qua các phương thức khác nhau và số lượng đầu thu truyền hình số mặt đất DVB-T2 bán ra tại thị trường các tỉnh thành nói trên, có thể thấy tỷ lệ hộ gia đình thu xem truyền hình tương tự mặt đất thấp hơn 5% tại thời điểm 30/12/2016, do đó việc tắt sóng truyền hình analog vào đã phù hợp với tiêu chí đặt ra.
Cho đến sáng ngày 30/12/2016, sau khi tắt sóng, tình hình diễn ra rất yên ả, người dân không hề có phản ứng hay kêu ca gì về việc không thu xem được truyền hình số. Tiểu ban giúp việc đã thành lập 4 đoàn công tác khảo sát tình hình sau khi ngừng phát sóng truyền hình tương tự mặt đất tại Hà Nội, Hải Phòng, thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ từ ngày 12/9 – 15/9/2016. Kết quả khảo sát như sau:
Vùng phủ sóng truyền hình số mặt đất DVB-T2 tại địa bàn các thành phố Hà Nội, Hải Phòng, TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ và một số địa bàn các tỉnh lân cận đã bao phủ và lớn hơn vùng phủ sóng các kênh truyền hình tương tự trước đây. Chất lượng hình ảnh, âm thanh các kênh chương trình truyền hình của VTV, và các kênh truyền hình địa phương tốt hơn nhiều sao với truyền hình tương tự mặt đất trước đây.
Các hộ nghèo, cận nghèo đủ điều kiện hỗ trợ theo tiêu chuẩn Trung ương đã được hỗ trợ đầu thu DVB-T2 với tình trạng hoạt động và chất lượng thu tín hiệu tốt.
Tình hình lưu thông thiết bị thu truyền hình số mặt đất DVB-T2 trên thị trường: Lượng đầu thu STB dồi dào, hầu như không có hiện tượng khan hiếm đầu thu, đa số đầu thu DVB-T2 đều có tem hợp quy và biểu trưng số hóa truyền hình theo qui định.
Theo Ictnews