UBND TP Hà Nội sẽ ra công điện khẩn chỉ đạo Chủ tịch huyện, Chủ tịch xã phải trực tiếp chỉ đạo các cấp làm ngày làm đêm, không kể ngày nghỉ để quyết tâm thực hiện nhanh nhất việc hỗ trợ đầu thu truyền hình số cho người nghèo, bắt đầu từ ngày 11/8/2016.
Hà Nội còn 21.900 hộ nghèo chưa được lắp đặt đầu thu truyền hình. Ảnh minh họa: Internet
2.231 hộ nghèo từ chối lắp đặt truyền hình cáp
Một công việc rất quan trọng mà nhà nước phải triển khai trước khi tắt sóng truyền hình đó là hỗ trợ đầu thu truyền hình số DVB-T2 cho các hộ nghèo, cận nghèo. Khó khăn lớn nhất của UBND TP Hà Nội hiện tại là phải triển khai hỗ trợ gần 21.900 đầu thu truyền hình số cho người nghèo với thời gian rất hạn hẹp, chỉ còn 4 ngày nữa sẽ tắt sóng truyền hình analog ở 4 thành phố lớn.
Theo ông Đặng Văn Bất, Giám đốc Sở LĐ&TB-XH Hà Nội, tổng số Hà Nội có 65.377 hộ nghèo, cận nghèo. Hỗ trợ đầu thu được chia làm 2 đợt, đợt 1 hỗ trợ 46.427 hộ, trong đó Viettel cam kết lắp đặt dịch vụ truyền hình cáp cho 12.018 hộ, Quỹ Dịch vụ Viễn thông công ích hỗ trợ 34.409 hộ. Tính đến ngày 9/8/2016, Viettel đã làm được 7.800 hộ đạt 64%, Quỹ Dịch vụ Viễn thông Công ích 34.105 hộ, tổng số hộ gia đình đã nhận hỗ trợ đầu thu là 41.905 hộ, đạt 90,3%.
Hiện Hà Nội còn 18.700 hộ nghèo phát sinh theo chuẩn mới sẽ được hỗ trợ đầu thu đợt 2, cộng với 3.200 hộ của đợt 1 Viettel chưa làm xong. Tổng số còn 21.900 hộ cần phải thực hiện lắp đặt đầu thu trong vòng 4 ngày từ nay đến 15/8. Trong đó, Bộ TT&TT sẽ hỗ trợ 18.700 hộ, Viettel còn 3.200 hộ.
Theo đại diện Viettel Hà Nội, Viettel nhận với UBND TP Hà Nội sẽ triển khai cung cấp dịch vụ truyền hình cáp cho 12.018 hộ. Sau khi đi triển khai khảo sát, thực hiện tuyên truyền và ký kết hợp đồng với các hộ gia đình, có hơn 2.231 hộ không muốn lắp đặt đã từ chối do không có nhu cầu, có 613 hộ không đủ điều kiện lắp do nhà không có tivi, không có điện, 479 hộ không liên hệ được do họ đi làm ăn xa, đi vắng. Các trường hợp này đều có biên bản xác nhận với tổ trưởng và trưởng thôn.
Viettel đã triển khai ký hợp đồng với 9.427 hộ và lắp đặt xong cho 7.800 hộ. Số còn lại, Viettel sẽ triển khai tiếp từ nay đến khi xong, dự kiến Viettel sẽ dồn lực lượng để mỗi ngày lắp đặt cho 250 – 300 hộ, nhanh nhất là 10 ngày nữa sẽ hoàn thành.
Đại diện Viettel cho hay, mặc dù Viettel đã chuẩn bị thiết bị để triển khai nhanh nhưng trong thời gian qua đã gặp khó khăn do thời tiết mưa bão ảnh hưởng đến tiến độ triển khai. Tại một số địa bàn đến nay vẫn không kéo cáp được.
Ông Đặng Văn Bất cho rằng, với tiến độ như Viettel đưa ra chắc chắn sẽ không thể kịp hoàn thành trước 15/8. Tuy nhiên, Tập đoàn Viettel đã cam kết với UBND TP Hà Nội nên Viettel sẽ phải lắp đặt đủ cho 12.018 hộ. Đối với những nơi không có hạ tầng cáp, Viettel phải mua đầu thu DVB-T2 cấp cho người dân. Nếu Viettel không làm được cần trả lời sớm để các cơ quan khác vào cuộc.
Ông Bất cũng yêu cầu Viettel phải làm rõ số lượng hơn 2.231 người từ chối không lắp đặt do nguyên nhân vì sao họ không nhận, do không có nhu cầu hay do nguyên nhân khác. Viettel sẽ phải phân tích rõ từng trường hợp một.
Bày tỏ quan điểm liên quan đến số hộ nghèo, cận nghèo mà Viettel cam kết hỗ trợ cho Hà Nội, ông Đoàn Quang Hoan, Cục trưởng Cục Tần số Vô tuyến điện cho rằng, việc đưa Viettel tham gia vào Đề án số hóa truyền hình là sáng kiến của Hà Nội. Bộ TT&TT không đề nghị Hà Nội tham gia hỗ trợ, cũng không yêu cầu Hà Nội tiếp nhận, không yêu cầu Viettel hỗ trợ.
Khi Viettel tham gia vào, Bộ TT&TT đã cảnh báo việc hỗ trợ người nghèo thu truyền hình số bằng dịch vụ truyền hình cáp khó khăn hơn rất nhiều khi hỗ trợ đầu thu số DVB-T2. Theo ông Hoan, đối với những trở ngại của Viettel, Hà Nội và Viettel phải cố gắng khắc phục. Nếu trong trường hợp Viettel chưa làm được thì UBND TP Hà Nội phải nhận lại phần chưa làm được này để hỗ trợ cho người dân. Nếu người dân có ý kiến, Hà Nội cũng sẽ phải đứng ra trả lời vì sao họ lại chậm nhận được đầu thu.
“Do thủ tục đầu tư mua sắm của nhà nước rất chặt chẽ, do đó phần Viettel nhận làm không nằm trong dự án của Bộ TT&TT nên Bộ sẽ không hỗ trợ cho Hà Nội được”, ông Hoan nêu rõ.
Ông Hoan cũng đề nghị Hà Nội và Viettel phải phối hợp để làm rõ số lượng 2.231 hộ dân từ chối lắp đặt vì không thích dùng truyền hình miễn phí hay là người ta chưa rõ về chính sách của nhà nước. Người dân trả lời Viettel là không có nhu cầu, nhưng Hà Nội phải phân tích kỹ, bởi nếu các hộ này đang thu sóng analog miễn phí đến khi ngắt sóng họ không xem được nữa chắc chắn sẽ có ý kiến.
Dồn tổng lực lắp đặt đầu thu truyền hình số cho hộ nghèo
Đối với 18.700 hộ nghèo, cận nghèo phát sinh theo chuẩn mới, ông Đoàn Quang Hoan cho biết, Bộ TT&TT đã phê duyệt dự án để điều chỉnh hỗ trợ cho 18.700 hộ theo chuẩn mới của trung ương phát sinh trên địa bàn Hà Nội và đã giao cho Quỹ Dịch vụ Viễn thông công ích thực hiện. Do thực hiện thủ tục mua sắm đầu thu vào thời điểm muộn, nên đến 15/8 chỉ có thể hoàn thành cơ bản việc lắp đặt cho số hộ dân này.
Dự kiến bắt đầu từ ngày 11/8, nhà cung cấp thiết bị là VNPT Technology và đơn vị lắp đặt là VietnamPost sẽ phải triển khai lắp đặt ngay tại Hà Nội. Ông Hoan cho hay, Bộ TT&TT đã chỉ đạo doanh nghiệp phải huy động tổng lực để triển khai lắp đặt cho Hà Nội, VietnamPost sẽ huy động nhân lực từ các tỉnh lân cận sang hỗ trợ. Tuy nhiên, doanh nghiệp sẽ không làm nhanh được nếu không có sự phối hợp của chính quyền Hà Nội, đặc biệt là cấp quận, huyện và phường, xã.
Ông Ngô Văn Quý, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội khẳng định, ngay chiều nay (10/8) UBND TP sẽ có công điện khẩn gửi các quận huyện yêu cầu triển khai hỗ trợ lắp đặt đầu thu cho người nghèo với quyết tâm thực hiện nhanh nhất. UBND các quận huyện sẽ phải yêu cầu các xã, phường dồn toàn bộ lực lượng để hỗ trợ đơn vị lắp đặt đầu thu cho các hộ nghèo.
“UBND TP sẽ chỉ đạo Chủ tịch huyện, Chủ tịch xã trực tiếp chỉ đạo các cấp làm ngày làm đêm, không kể ngày nghỉ để quyết tâm thực hiện nhanh nhất”, ông Quý khẳng định.