Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội Phan Lan Tú: Nhiều lợi ích từ việc phát triển truyền hình số

Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội Phan Lan Tú: Nhiều lợi ích từ việc phát triển truyền hình số

Thành phố (TP) Hà Nội đang tích cực triển khai nhiều biện pháp để thực hiện Đề án Số hóa truyền dẫn và phát sóng truyền hình mặt đất đến năm 2020 mà Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt. Tuy nhiên, lợi ích khi chuyển đổi số hóa là gì, người dân sẽ phải làm gì khi chuyển đổi từ truyền hình tương tự (analog) sang truyền hình số mặt đất… là những vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm của người dân. Phóng viên Báo Quân đội nhân dân đã có cuộc trao đổi với Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Hà Nội Phan Lan Tú để làm rõ hơn vấn đề này.

Bà Phan Lan Tú.Ảnh: NAM TRỰC

Mở đường cho 4G phát triển

Phóng viên (PV): Thưa bà, số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình số mặt đất sẽ mang lại những lợi ích gì cho người dân cũng như hiệu quả đối với nền kinh tế?

Bà Phan Lan Tú: Số hóa truyền dẫn, phát triển truyền hình số là xu thế khoa học-công nghệ của thế giới, Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng đó. Việc chuyển đổi số hóa sẽ mang lại rất nhiều lợi ích cho người dân cũng như nền kinh tế. Đối với người dân, việc thu xem tín hiệu truyền hình số mặt đất thay cho tín hiệu truyền hình tương tự đồng nghĩa với việc thay vì chỉ xem được 4-5 kênh truyền hình như hiện nay, người dân sẽ xem được rất nhiều kênh với chất lượng âm thanh, hình ảnh tốt hơn.

Không chỉ vậy, phát triển truyền hình số mặt đất còn đem lại rất nhiều lợi ích về hiệu quả sử dụng tần số vô tuyến điện, bởi tần số vô tuyến điện là tài nguyên quốc gia. Truyền hình số mặt đất sẽ sử dụng phổ tần số ít hơn so với truyền hình tương tự. Phần băng tần dôi dư sau khi quy hoạch triển khai số hóa, có thể dành phát triển các dịch vụ thông tin di động băng rộng và một số dịch vụ thông tin vô tuyến khác. Nói cách khác, việc số hóa truyền hình sẽ mở đường cho việc triển khai dịch vụ băng rộng 4G tại Việt Nam. Đồng thời, nguồn kinh phí thu được do đấu giá các băng tần dôi dư này có thể được đầu tư trở lại để thúc đẩy quá trình số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất.

PV: Vậy, Hà Nội đã chuẩn bị như thế nào để thực hiện đề án này, thưa bà?

Bà Phan Lan Tú: Cùng với việc tập trung cho công tác thông tin tuyên truyền, công tác chuẩn bị cơ sở vật chất, trang thiết bị, xây dựng hạ tầng phục vụ số hóa truyền hình cũng được đẩy mạnh. Đến nay, Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội đã đưa vào sử dụng trung tâm truyền dẫn phát sóng và cột ăng-ten cao 250m; tích cực triển khai Dự án Chuyển đổi công nghệ số hóa sản xuất, phát sóng truyền hình giai đoạn 2013-2015. Công ty Cổ phần Truyền dẫn phát sóng truyền hình Đồng bằng sông Hồng RTB đã triển khai đầu tư hệ thống chuyển đổi tín hiệu các kênh, phát sóng thử nghiệm ổn định 15 kênh chương trình và đang phối hợp cùng các đài phát thanh-truyền hình khu vực Đồng bằng sông Hồng triển khai xây dựng hạ tầng truyền dẫn, bảo đảm đúng tiến độ theo lộ trình.

Cùng với đó, Sở TT&TT phối hợp với các đơn vị liên quan hoàn thành việc điều tra hiện trạng, phương thức thu xem cho các hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn; thống kê danh sách các đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo để có phương án hỗ trợ đầu thu truyền hình số, bảo đảm 100% các hộ gia đình có máy thu hình xem được truyền hình bằng các phương thức khác nhau.

Hỗ trợ đầu thu truyền hình số mặt đất cho các hộ nghèo, cận nghèo

PV: Thưa bà, những đối tượng nói trên sẽ nhận được hỗ trợ gì từ TP cũng như Trung ương?

Bà Phan Lan Tú: Sau khi hoàn thành công tác điều tra hiện trạng phương thức thu xem truyền hình đối với các hộ nghèo, cận nghèo và một số đối tượng gia đình chính sách, người có công, toàn TP có 34.409 hộ nghèo, 44.639 hộ cận nghèo theo chuẩn TP; 11.075 hộ nghèo, 23.334 hộ cận nghèo theo chuẩn Trung ương. Đối với các hộ nghèo, cận nghèo theo chuẩn Trung ương đã có máy thu truyền hình tương tự nhưng chưa sử dụng dịch vụ truyền hình số, truyền hình cáp, truyền hình internet sẽ được nhận đầu thu truyền hình số mặt đất từ Quỹ “Dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam”. Các hộ nghèo, cận nghèo theo chuẩn TP (sau khi trừ các hộ đã nhận hỗ trợ của Trung ương), ngân sách TP sẽ chi 70 tỷ đồng để hỗ trợ đầu thu truyền hình số mặt đất.

Ngoài ra, trên địa bàn TP còn 13.000 hộ nghèo, cận nghèo và một số đối tượng gia đình chính sách, người có công chưa có ti vi, Sở TT&TT đang báo cáo TP để xin chủ trương hỗ trợ, đồng thời kêu gọi xã hội hóa hỗ trợ các hộ nghèo, cận nghèo. Dự kiến, kinh phí hỗ trợ khoảng 40 tỷ đồng (trung bình hơn 3 triệu đồng/ti vi đã tích hợp sẵn đầu thu).

PV: Bà có thể cung cấp cụ thể thời điểm ngừng phát sóng truyền hình tương tự?

Bà Phan Lan Tú: Theo lộ trình thực hiện Đề án Số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất đến năm 2020, từ ngày 1-1-2016, Hà Nội sẽ ngừng phủ sóng các kênh truyền hình tương tự với một số kênh, gồm: VTV6, H2 (kênh Hà Nội 2), VTC9. Từ ngày 1-4-2016, Hà Nội sẽ ngừng phủ sóng toàn bộ các kênh truyền hình tương tự. Như vậy, kể từ 1-4-2016, tất cả các hộ dân của Hà Nội hiện đang sử dụng ăng-ten để thu truyền hình analog sẽ không thể tiếp tục xem truyền hình. Để xem được truyền hình, các hộ dân cần phải mua đầu thu kỹ thuật số đạt chuẩn. Các hộ gia đình hiện đã sử dụng một trong các loại hình truyền hình trả tiền như: Truyền hình cáp, truyền hình kỹ thuật số, truyền hình vệ tinh, truyền hình internet… sẽ không bị ảnh hưởng bởi đề án số hóa.

PV: Bà có khuyến cáo gì với người dân để quá trình tắt sóng analog diễn ra suôn sẻ?

Bà Phan Lan Tú: Khi thực hiện chuyển đổi, người dân sẽ phải mua đầu thu truyền hình số mặt đất DVB-T2. Tôi chỉ xin lưu ý, người dân khi đi mua các loại đầu thu truyền hình số trên thị trường phải chú ý chủng loại thiết bị. Thiết bị phải được dãn nhãn hàng hóa đầy đủ, dán biểu trưng số hóa truyền hình, tem hợp chuẩn, hợp quy định.

PV: Xin cảm ơn bà!

Theo Baomoi.com

Chia sẻ:

Quét mã để tải
SDTV app