Doanh nghiệp phát sóng đề xuất chia nhỏ lộ trình tắt sóng truyền hình analog giai đoạn 2

Doanh nghiệp phát sóng đề xuất chia nhỏ lộ trình tắt sóng truyền hình analog giai đoạn 2

Hai doanh nghiệp truyền dẫn phát sóng là RTB và SDTV kiến nghị Bộ TT&TT nghiên cứu chia nhỏ lộ trình tắt sóng truyền hình analog giai đoạn 2 làm 2 hoặc 3 đợt tắt sóng, thay vì lùi thời hạn tắt sóng của cả 26 tỉnh thuộc nhóm 2.

Doanh nghiệp phát sóng đề xuất chia nhỏ lộ trình tắt sóng truyền hình analog giai đoạn 2

Trước ý kiến đề nghị Ban chỉ đạo Số hóa truyền hình cân nhắc việc lùi thời hạn tắt sóng truyền hình analog giai đoạn 2 ở 26 tỉnh, thành phố tới 1/7/2017, thay vì ngày 1/1/2017 như lộ trình ban đầu thì các đơn vị truyền dẫn phát sóng truyền hình số DVB-T2 lại muốn Bộ TT&TT không thay đổi thời hạn tắt sóng, bởi việc lùi thời hạn tắt sóng truyền hình analog ngày nào sẽ ảnh hưởng lớn tới bài toán kinh doanh của các doanh nghiệp.

Các doanh nghiệp như RTB và SDTV đề nghị Bộ TT&TT nghiên cứu chia nhỏ lộ trình tắt sóng analog, thay cho phương án tắt cùng lúc nhiều tỉnh, thành.

Công ty CP Truyền dẫn phát sóng truyền hình đồng bằng Sông Hồng (RTB) được Bộ TT&TT cấp phép và tần số để thiết lập hạ tầng, cung cấp dịch vụ truyền dẫn phát sóng cho 14 đài PT-TH ở khu vực đồng bằng Bắc Bộ. Còn công ty TNHH Truyền hình kỹ thuật số miền Nam (SDTV) cũng được cấp phép để triển khai cung cấp dịch vụ cho 22 tỉnh ở khu vực Nam Bộ.

Chỉ định thầu hay đấu thầu?

Giai đoạn 1 của Đề án Số hóa truyền hình đã hoàn thành vào ngày 15/8/2016 vừa qua, nhưng thực tế cho đến nay RTB và SDTV vẫn gặp nhiều khó khăn trong cung cấp dịch vụ truyền dẫn phát sóng bởi vì nhiều lý do.

Bà Lại Thị Bích, Ủy viên HĐQT của RTB cho hay, ở giai đoạn 1 của Đề án số hóa truyền hình, RTB được Ban chỉ đạo Đề án số hóa truyền hình phân công triển khai hạ tầng để phát sóng hai kênh truyền hình thiết yếu của hai Đài PT-TH Hà Nội và Hải Phòng. Tuy nhiên, RTB mới ký được hợp đồng với Đài PT-TH Hà Nội bằng đơn giá tạm tính trong khi chờ Bộ TT&TT ra định mức kinh tế kỹ thuật cho dịch vụ truyền dẫn phát sóng.

Còn tại Hải Phòng, mặc dù RTB đã truyền dẫn kênh của Hải Phòng lên hệ thống từ tháng 12/2015 đến nay, nhưng hai bên vẫn chưa ký được hợp đồng kinh tế. Bà Bích cho hay, vướng mắc lớn nhất là theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, với hợp đồng truyền dẫn phát sóng ước tính khoảng 3 tỷ đồng/năm phải thông qua đấu thầu. Nhưng để tổ chức đấu thầu thì cần có định mức kinh tế kỹ thuật cho dịch vụ truyền dẫn phát sóng của Bộ TT&TT ban hành. Do đây là dịch vụ mới bắt đầu hình thành trên thị trường nên văn bản hướng dẫn về định mức kinh tế kỹ thuật vẫn trong quá trình xây dựng.

Tại Hải Phòng, RTB đã làm việc được với liên ngành bao gồm: Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính và Đài PT-TH Hải Phòng, các bên đi đến thống nhất trình lên UBND TP xin chủ trương cho ký hợp đồng tạm thời trước, sau khi có quy định về định mức đơn giá của Bộ TT&TT sẽ ký hợp đồng chính thức. Tuy nhiên, đến giai đoạn UBND TP xin ý kiến Ban Thường vụ Thành ủy thì không được thông qua, do vướng mắc về quy định quản lý chi tiêu ngân sách. Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng yêu cầu phải thực hiện đấu thầu theo đúng quy định.

“Chúng tôi vẫn phục vụ phát sóng cho Hải Phòng từ tháng 12/2015 tới giờ nhưng không có hợp đồng, không có doanh thu. Trong khi đó, doanh nghiệp phải vay ngân hàng để thiết lập mạng, thiết lập hệ thống, chi phí vận hành rất lớn. Khi chưa chính thức tắt sóng thì các đài vẫn phát sóng analog, coi như RTB phát sóng thử nghiệm sóng truyền hình số, đến giờ tắt sóng analog rồi vẫn không được ký hợp đồng, trong khi vẫn phải phục vụ nhiệm vụ chính trị”, bà Bích nói.

Bà Bích cũng kiến nghị, hai Bộ TT&TT và Bộ Tài chính phải phối hợp để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Việc ban hành định mức kinh tế kỹ thuật cho dịch vụ truyền dẫn phát sóng cần được ban hành sớm. Đồng thời, Bộ TT&TT cần có văn bản quy định trách nhiệm đi kèm quyền lợi của doanh nghiệp phát sóng bởi hiện nay Bộ TT&TT mới chỉ giao trách nhiệm cho doanh nghiệp đảm bảo phát sóng phục vụ nhiệm vụ chính trị, nhưng quyền lợi của doanh nghiệp lại không chắc chắn.

“Việc thực hiện đấu thầu trong dịch vụ truyền dẫn phát sóng ở thời điểm hiện tại là không phù hợp. Bởi vì Bộ TT&TT đã phân công có RTB phát sóng ở khu vực đồng bằng Bắc Bộ mà hiện tại chỉ duy nhất có RTB triển khai phát sóng dịch vụ cho các đài nên không thể đấu thầu. Do vậy, hai bộ cần xin ý kiến Thủ tướng cho phép riêng Đề án này được thực hiện quy chế chỉ định thầu”, bà Bích kiến nghị.

Cũng như RTB, ông Nguyễn Đức Hòa, Giám đốc công ty SDTV cho biết, hiện nay SDTV gặp khó khăn ở vấn đề chỉ định thầu hay đấu thầu rồi phải chờ Bộ TT&TT ban hành định mức mới ký hợp đồng được. Hiện tại SDTV đang triển khai lắp đặt máy phát sóng DVB-T2 tại Long An, An Giang, Vĩnh Long, Vũng Tàu, kế hoạch đến cuối 2016 sẽ phủ sóng hết toàn bộ các tỉnh khu vực Nam Bộ.

 

Đề xuất chia nhỏ lộ trình tắt sóng giai đoạn 2

Theo bà Bích, nếu cứ kéo dài thêm thời hạn tắt sóng truyền hình số ngày nào thì RTB sẽ khó khăn trong đàm phán ký hợp đồng phát sóng với các đài truyền hình thêm ngày đó. Vì nếu các đài vẫn còn phát sóng analog thì sẽ không có ngân sách để chi trả cho hợp đồng phát sóng số. “Hiện tại RTB đã sẵn sàng phát sóng cho các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ ở giai đoạn 2, chỉ còn vướng mỗi phần hỗ trợ đầu thu truyền hình cho hộ nghèo, cận nghèo. Ở Hà Nội vừa qua chỉ cần 5 ngày là Bộ TT&TT hỗ trợ xong vậy cần có cách nào đó để hỗ trợ sớm đầu thu cho hộ nghèo. RTB đề nghị Bộ TT&TT cắt sóng truyền hình analog vào cuối tháng 12/2016 ngay, không nên kéo dài thêm. Vì nếu để hai hệ thống đều phát song song như hiện nay sẽ tốn điện, tốn nhân công”, bà Bích phát biểu.

Bà Bích cũng đưa ra phương án, cần chia nhỏ lộ trình tắt sóng giai đoạn 2 sẽ thuận lợi cho các doanh nghiệp phát sóng tận dụng hạ tầng đầu tư phát sóng. Địa phương nào sẵn sàng rồi thì có thể tắt sóng trước từ 31/12, các địa phương khác có thể thực hiện tắt sóng từ 31/3. Các doanh nghiệp phủ sóng sẽ cam kết với Bộ TT&TT đảm bảo phủ sóng theo lộ trình, thực hiện nghiêm túc và triệt để chủ trương sử dụng chung hạ tầng theo hướng dẫn của Bộ.

Có cùng ý kiến với bà Lại Thị Bích, ông Nguyễn Đức Hòa cho hay, cũng như RTB, để triển khai cung cấp dịch vụ doanh nghiệp phải chi phí đầu tư rất lớn. Hàng tháng phải chi trả lãi vay ngân hàng, chi phí truyền dẫn tín hiệu, chi phí vận hành. Ước tính trong vòng 10 năm doanh nghiệp mới có thể hoàn lại vốn đầu tư. Ở giai đoạn 1, SDTV đã thực hiện phát sóng trước cho các tỉnh trước khi tắt sóng, số lượng tỉnh ít có thể bao được, nhưng giai đoạn 2 số lượng tỉnh cắt sóng quá lớn khó có thể thực hiện được việc phát sóng miễn phí trước khi tắt sóng truyền hình analog.

Ông Hòa đồng tình với bà Bích về đề xuất cho chia nhỏ quá trình tắt sóng giai đoạn 2. Do đặc thù ở phía Nam chỉ 2 tỉnh có đồi núi nhiều nên SDTV đề xuất gộp giai đoạn 2 và giai đoạn 3 làm một. Khi phủ sóng số ở Tây Nam Bộ các tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau có thể phủ sóng một phần, hiện nay hai đài Cà Mau và Bạc Liêu đã ủng hộ đẩy nhanh tiến độ triển khai số hóa truyền hình, chính thức đề nghị SDTV phát sóng số DVB-T2 ngay từ giai đoạn 2.

Ông Hòa cho hay, trước khi số hóa truyền hình chỉ có một số đài ở phía Nam có nguồn thu từ quảng cáo lớn lo lắng tắt sóng analog ảnh hưởng tới nguồn thu quảng cáo. Nhưng sau khi tắt sóng giai đoạn 1, theo thông tin SDTV có được các đài chưa bị ảnh hưởng gì về quảng cáo. Đài PT-TH Đồng Nai đã thực hiện cắt sóng analog cách đây hơn 1 năm cũng không quan ngại về doanh thu quảng cáo. Do đó, việc của nhà nước và các doanh nghiệp truyền dẫn là phải làm thế nào để người dân tiếp cận với nguồn tín hiệu truyền hình số càng sớm càng tốt.

 

Chia sẻ:

Quét mã để tải
SDTV app