Giới thiệu chung
Số hóa truyền hình mặt đất được hiểu đơn giản là quá trình chuyển đổi công nghệ phát sóng và thu, xem từ truyền hình tương tự mặt đất (analog) sang truyền hình số mặt đất (digital), với tín hiệu truyền hình được truyền và thu bằng anten qua bầu khí quyển, khác với các cách phát sóng khác như phát sóng số trên cáp (truyền hình cáp) hay phát sóng số vệ tinh (truyền hình vệ tinh). Chuẩn DVB-T2 đã được Chính phủ Việt Nam lựa chọn cho truyền hình số mặt đất tại Việt Nam.
Quá trình số hóa truyền hình mặt đất được thực hiện cả ở phía phát và phía thu nhằm mang lại nhiều lợi ích cho người xem truyền hình như việc thu xem hình ảnh, âm thanh sẽ tốt hơn, độ phân giải cao hơn, tăng chất lượng đường truyền và tín hiệu ổn định, giúp người xem tận hưởng trọn vẹn các chương trình truyền hình mà không bị gián đoạn vì nhiễu sóng, mất tín hiệu. Còn đối với công nghiệp truyền hình và Nhà nước, việc sử dụng truyền hình số mặt đất giúp tiết kiệm tần số và phát sóng được nhiều kênh hơn; tiết kiệm được một nguồn ngoại tệ lớn cho quốc gia khi không phải thuê dịch vụ từ các nước trong khu vực. Hệ thống truyền dẫn SFN này góp phần hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng thông tin, nâng cao độ an toàn cho mạng lưới viễn thông, thúc đẩy và phát triển nhiều dịch vụ mới. Truyền hình kỹ thuât số mặt đất tuy còn mới mẻ ở Việt Nam nhưng nó được dự đoán là sẽ tạo ra một xu hướng phát triển trong thời gian sắp tới.
Khi quá trình số hóa này hoàn thành, truyền hình số mặt đất sẽ thay thế hoàn toàn truyền hình tương tự mặt đất. Truyền hình tương tự mặt đất sẽ ngừng hoạt động và đi vào lịch sử như truyền hình đen trắng trước đây được thay thế bởi truyền hình màu.
Truyền hình số mặt đất là kênh quảng bá thông tin kinh tế, văn hóa, chính trị và xã hội của vùng kinh tế năng động phía Nam, cung cấp nhiều lựa chọn giải trí lành mạnh, tạo kênh giao lưu văn hóa giữa các vùng miền, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân đặc biệt là các vùng sâu, vùng xa, hải đảo.
Theo đề án số hóa truyền hình, đến năm 2015, bảo đảm 80% hộ gia đình có máy thu hình xem được truyền hình số bằng các phương thức khác nhau, trong đó truyền hình số mặt đất chiếm khoảng 55%. Đến năm 2020, phải bảo đảm 100% các hộ gia đình có máy thu hình được truyền hình số bằng các phương thức khác nhau, trong đó truyền hình số mặt đất chiếm 45% các phương thức truyền hình.
Theo kế hoạch, mạng truyền hình số mặt đất của SDTV khi được triển khai hoàn thiện vào năm 2016 sẽ phủ sóng 58 ngàn km2, tương đương 90,4% diện tích khu vực Nam bộ, cấp tín hiệu truyền hình đến hơn 30 triệu người dân, chiếm hơn 93% cư dân khu vực Nam bộ. Mục tiêu chính đến cuối 2016, SDTV sẽ phủ sóng DVB-T2 toàn Miền Nam bằng kênh 33 và kênh 34, hoàn thành sớm lộ trình số hóa của Chính phủ.