Tiểu ban giúp việc vừa đề nghị Ban chỉ đạo số hóa truyền hình Việt Nam lựa chọn thời điểm chính thức tắt sóng truyền hình tương tự mặt đất (analog) tại 4 thành phố lớn gồm Hà Nội, Hải Phòng, Cần Thơ, TP.HCM là ngày 15/8/2016.
Đề xuất tắt sóng analog tại Hà Nội, TP.HCM, Cần Thơ, Hải Phòng từ 15/8
Đảm bảo quyền lợi của người dân xem truyền hình
Hôm nay, ngày 1/4/2016, Ban chỉ đạo Đề án số hóa truyền hình Việt Nam đã họp phiên thứ 10 nhằm tổng kết, đánh giá kết quả triển khai Đề án số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất giai đoạn đến năm 2015 và thảo luận các công tác trọng tâm triển hai số hóa truyền hình giai đoạn tiếp theo, nhất là việc chuẩn để chuẩn bị cho việc triển khai số hóa truyền hình tại 4 thành phố lớn gồm Hà Nội, Hải Phòng, Hồ Chí Minh và Cần Thơ. Phiên họp có với sự tham dự của các Thứ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn và Phan Tâm.
Phát biểu mở đầu phiên họp, Thứ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn cho biết, triển khai Quyết định 2451/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án số hóa truyền dẫn, phát sóng số hóa truyền hình mặt đất đến năm 2020, Ban Chỉ đạo Đề án số hóa Truyền hình Việt Nam đã quyết tâm thực hiện và chỉ đạo kịp thời, phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương và các đơn vị, doanh nghiệp truyền dẫn phát sóng truyền hình triển khai thành công ngừng phát sóng truyền hình tương tự mặt đất tại Đà Nẵng, thành phố đầu tiên tại ASEAN thực hiện số hóa truyền hình mặt đất. “Đây được coi là thành công bước đầu trong quá trình triển khai Đề án số hóa truyền hình trên toàn quốc từ nay tới năm 2020”, Thứ trưởng nhấn mạnh.
Thứ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn cũng nhấn mạnh, giai đoạn này là giai đoạn bản lề, được đánh giá là rất quan trọng trong các giai đoạn của Đề án số hóa truyền hình vì tại giai đoạn 1 ngoài 4 thành phố trực thuộc Trung ương gồm Hà Nội, Hải Phòng, Cần Thơ và TP.HCM thì có 19 tỉnh lân cận của 4 thành phố bị ảnh hưởng khi ngừng phát sóng truyền hình tương tự mặt đất tại 4 thành phố nêu trên (ước tính khoảng 50% dân số nằm trong vùng số hóa truyền hình của giai đoạn 1). Do vậy, Thứ trưởng yêu cầu các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp liên quan cần tập trung thảo luận, tháo gỡ các vấn đề, vướng mắc trọng tâm, theo hướng chỉ bàn tới, không bàn lùi, đảm bảo thực hiện đúng tiến độ của Đề án số hóa Truyền hình Việt Nam. Tuy nhiên, Thứ trưởng cũng lưu ý việc triển khai số hóa truyền hình bên cạnh việc đảm bảo tiến độ thì đồng thời cũng phải đảm bảo không ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân xem truyền hình.
Tại phiên họp, ông Đoàn Quang Hoan, Cục trưởng Cục Tần số Vô tuyến điện, Phó trưởng Tiểu ban giúp việc Ban chỉ đạo Đề án số hóa Truyền hình Việt Nam cho biết, thực hiện ý kiến kết luận của Trưởng Ban chỉ đạo, Cục Tần số Vô tuyến điện đã phối hợp với VTV nghiên cứu, xem xét, đánh giá và đề xuất các phương án ngừng phủ sóng truyền hình tương tự tại 5 thành phố lớn trực thuộc Trung ương. Tại phiên họp lần thứ 7 vào ngày 21/1/2015, Ban chỉ đạo quyết định ngừng phát sóng truyền hình tương tự mặt đất theo nguyên tắc ngừng phủ sóng analog đến đâu thì phải phủ sóng truyền hình số mặt đất các kênh chương trình truyền hình phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin tuyên truyền thiết yếu và hỗ trợ đầu thu STB đến đó.
Đến nay, việc phủ sóng truyền hình số các thành phố trực thuộc Trung ương và các tỉnh lân cận đã cơ bản được các đơn vị, doanh nghiệp thực hiện theo đúng lộ trình. Đơn cử như, với VTV, hiện đơn vị này đã triển khai 16 máy phát sóng truyền hình số mặt đất DVB-T2 tại khu vực đồng bằng Bắc Bộ và đồng bằng Nam Bộ. Trong đó, khu vực đồng bằng Bắc Bộ, VTV đã triển khai 10 máy phát DVB-T2 gồm 5 máy phát chính cho khu vực đồng bằng Bắc Bộ và 5 máy phát phục vụ việc phủ sóng biển đảo tại Hải Phòng và Quảng Ninh; khu vực đồng bằng Nam Bộ, VTV triển khai 6 máy phát DVB-T2 gồm 5 máy phát chính cho khu vực đồng bằng Nam Bộ và 1 máy phát phục vụ phủ sóng vùng biển đảo tại Kiên Giang. Theo đánh giá của Tiểu ban giúp việc Ban chỉ đạo, Vùng phủ sóng số DVB-T2 của VTV tại khu vực đồng Bắc Bộ và đồng bằng Nam Bộ khá rộng, đã có vùng phủ sóng số bao trùm hầu hết vùng phủ sóng truyền hình tương tự mặt đất của VTV đang phát sóng tại Hà Nội, Hải Phòng, TP.HCM và Cần Thơ.
Hơn 454.000 hộ nghèo, cận nghèo tại 23 tỉnh, thành được hỗ trợ đầu thu STB
Ông Đoàn Quang Hoan cũng cho biết, hiện tại, thời điểm ngừng phát sóng chính thức truyền hình tương tự mặt đất tại 4 thành phố trực thuộc Trung ương gồm Hà Nội, TP.HCM, Cần Thơ và Hải Phòng vẫn chưa được quyết định.
Căn cứ vào tình hình triển khai các công tác trên thực tế như thông tin tuyên truyền, hỗ trợ đầu thu STB, dự kiến việc hỗ trợ đầu thu STB cho các hộ nghèo, cận nghèo tại 4 thành phố trực thuộc Trung ương và 19 tỉnh lân cận sẽ hoàn thành trong tháng 5/2016.
“Tiểu ban giúp việc đề nghị Ban chỉ đạo xem xét, quyết dịnh thời điểm chính thức ngừng phát sóng truyền hình tương tự mặt đất tại Hà Nội, Hải Phòng, Cần Thơ, TP.HCM vào ngày 15/8/2016”, ông Hoan đề xuất.
Như vậy thời điểm tắt hoàn toàn sóng truyền hình tương tự mặt đất tại Hà Nội, Hải Phòng, Cần Thơ, TP.HCM sẽ sau tròn 2 tháng so với thời điểm tắt sóng mềm. Trước đó, Ban chỉ đạo Đề án số hóa Truyền hình Việt Nam đã quyết định từ ngày 15/6/2016 sẽ ngừng phủ sóng một số kênh truyền hình tương tự mặt đất tại Hà Nội, Cần Thơ và TP.HCM.
Liên quan đến việc hỗ trợ STB cho các hộ nghèo, cận nghèo tại 4 thành phố trực thuộc Trung ương và các tỉnh lân cận, theo đại diện Tiểu ban giúp việc Ban chỉ đạo Đề án số hóa Truyền hình Việt Nam, Bộ TT&TT đang phối hợp với UBND 4 thành phố Hà Nội, Hải Phòng, Cần Thơ, TP.HCM và 19 tỉnh lân cận xác định được dự kiến khoảng 454.673 hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn Trung ương (theo Quyết định 1294/QĐ-LĐTBXH ngày 10/9/2015) theo vùng bị ảnh hưởng khi tắt sóng truyền hình tương tự mặt đất tại 4 thành phố trực thuộc Trung ương sẽ được hỗ trợ đầu tư STB trong thời gian tới.
Hiện tại, Bộ TT&TT đã giao Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích làm chủ đầu tư xây dựng dự án hỗ trợ đầu thu truyền hình số, đã thực hiện thủ tục triển khai dự án và đang tiến hành lựa chọn nhà thầu. Dự kiến tháng 4/2016 sẽ triển khai thực hiện hỗ trợ và lắp đặt đầu thu truyền hình số mặt đất DVB-T2 cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo tại địa phương.
Tuy nhiên, một số địa phương đề nghị được hướng dẫn hỗ trợ cho các hộ nghèo, cận nghèo phát sinh theo chuẩn mới (Quyết định 59/2015/QĐ-TTg ngày 19/11/2015 về việc ban hành chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 – 2020), Bộ TT&TT sẽ xem xét hỗ trợ bổ sung STB cho các hộ nêu trên đủ điều kiện theo Quyết định 2451/QĐ-TTg trong thời gian tới.
Để đảm bảo việc thông tin, tuyên truyền cho số hóa truyền hình được liên tục và có hiệu quả tới người dân ở 4 thành phố và 19 tỉnh lân cận, Tiểu ban giúp việc Ban chỉ đạo đã đề nghị Viện Chiến lược phối hợp Cục PTTH&TTĐT cùng các đơn vị liên quan sớm trình Bộ TT&TT ban hành Đề án thông tin, tuyên truyền số hóa truyền hình mặt đất giai đoạn tiếp theo, trên cơ sở tổng kết kết quả triển khai của giai đoạn 2013-2015 và xem xét kế thừa các phương thức tuyên truyền hiệu quả trong giai đoạn trước, cân nhắc việc thay đổi cách thức tuyên tuyền, phạm vi tuyên tuyền, yêu cầu về nội dung tuyên truyền cho phù hợp với thực tế tại các địa phương và điều kiện kinh phí hạn hẹp.
Hiện tại, Tổng đài tư vấn giải đáp thông tin về số hóa truyền hình chung cho toàn quốc chưa được thiết lập. Sở TT&TT Đà Nẵng đã gửi công văn đề nghị Bộ TT&TT xem xét sử dụng tổng đài giao tiếp điện tử Đà Nẵng để thiết lập Tổng đài số hóa truyền hình toàn quốc.
Ngoài ra, Công ty CP Truyền hình cáp Hà Nội và Công ty SDTV đã đề nghị Bộ TT&TT xem xét cho phép tham gia triển khai thiết lập tổng đài hỗ trợ, tư vấn giải đáp thông tin về số hóa truyền hình cho khu vực Bắc Bộ và Nam Bộ. Trung tâm thông tin thuộc Bộ TT&TT đang xây dựng, đề xuất giải pháp thuê ngoài Tổng đài hỗ trợ thông tin số hóa truyền hình, đảm bảo kế hoạch triển khai số hóa truyền hình thời gian tới.