Theo đại diện Sở TT&TT Đà Nẵng, để số hoá truyền hình thành công, cần chú trọng đầu tư truyền thông, phát huy tối đa vai trò của các cơ quan báo chí, giúp người dân hiểu rõ bản chất vấn đề, đồng thuận và tự động chuyển đổi sang truyền hình số…
Có thể lộ trình số hóa truyền hình trên cả nước sẽ kết thúc nhanh vào trước năm 2018
Theo thông tin từ Sở TT&TT thành phố Đà Nẵng, tại buổi làm việc với Sở TT&TT tỉnh Khánh Hòa nhằm chia sẻ kinh nghiệm tổ chức triển khai Đề án Số hóa truyền hình vừa diễn ra cuối tháng 12/2015, ông Phạm Kim Sơn, Giám đốc Sở nhấn mạnh: tỉnh Khánh Hòa cần chú trọng đầu tư về mặt truyền thông, phát huy tối đa vai trò của các cơ quan báo chí, đặc biệt là Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Khánh Hòa, bởi đây là đề án liên quan trực tiếp đến lợi ích của từng người dân, từng hộ gia đình.
Bên cạnh đó, cần giúp người dân hiểu rõ bản chất vấn đề, đồng thuận và tự động chuyển đổi sang truyền hình số, như vậy vấn đề triển khai sẽ đơn giản và bớt áp lực hơn.
“Đà Nẵng cũng sẵn sàng chia sẻ và hỗ trợ tỉnh Khánh Hòa trong việc giải đáp, cung cấp thông tin cho người dân về Số hóa truyền hình thông qua đường dây nóng, các kênh giải đáp thông tin của Trung tâm Thông tin Dịch vụ công”, ông Phạm Kim Sơn nói.
Cũng theo ông Nguyễn Hoàng Cẩm, Phó Giám đốc Sở TT&TT thành phố Đà Nẵng, Phó ban Thường trực Ban chỉ đạo số hóa truyền hình thành phố Đà Nẵng, trong thời gian qua, Sở TT&TT thành phố đã tiếp nhận nhiều đề nghị chia sẻ kinh nghiệm về thực hiện số hóa truyền hình từ các tỉnh, thành trên khắp cả nước. Sở đã tích cực cung cấp thông tin, tư liệu qua nhiều hình thức và buổi làm việc với Sở TT&TT tỉnh Khánh Hòa là buổi làm việc trực tiếp đầu tiên.
Như ICTnews đã đưa, ngày 1/11/2015, Ban chỉ đạo Số hóa truyền hình Việt Nam đã công bố Đà Nẵng là thành phố đầu tiên của ASEAN hoàn thành số hóa truyền hình.
Để có thể tắt được sóng truyền hình analog ở Đà Nẵng, hàng loạt các công việc đã được triển khai khẩn trương. Trong đó có hai việc quan trọng nhất là VTV phải nâng cấp phủ sóng truyền hình số ở Đà Nẵng và Bắc Quảng Nam để đảm bảo chất lượng thu xem truyền hình của người dân. Cùng đó, ngày 28/10/2015, Đà Nẵng và Bắc Quảng Nam cũng đã hoàn thành việc hỗ trợ đầu thu truyền hình số cho các hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn.
Hiện nay, Ban chỉ đạo Đề án số hóa truyền hình cũng đã quyết định lộ trình tắt sóng truyền hình analog ở 4 thành phố lớn là Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng và Cần Thơ. Thời điểm tắt sóng mềm analog một số kênh truyền hình không thiết yếu tại 4 thành phố này chính thức được điều chỉnh sang ngày 1/3/2016, thay vì mốc 1/1/2016 như kế hoạch.
Cụ thể, từ ngày 1/3/2016 tại Hà Nội sẽ ngừng phát sóng 3 kênh VTV6, H2, VTC9; 4 kênh VTV6, VTV9, VTC9, HTV7 tại TPHCM và 4 kênh VTV6, VTV Cần Thơ 1, VTV Cần Thơ 2, VTC9 tại Cần Thơ.
Từ ngày 1/6/2016 sẽ ngừng phát sóng toàn bộ kênh truyền hình tương tự mặt đất còn lại tại 4 thành phố trên.
Với phạm vi phủ sóng các kênh truyền hình analog hiện tại, khi thực hiện tắt sóng truyền hình analog ở 4 thành phố sẽ có 19 tỉnh bị ảnh hưởng đến việc thu xem truyền hình, trong đó có tỉnh bị ảnh hưởng toàn bộ, có tỉnh bị ảnh hưởng một phần, do người dân tại các tỉnh lân cận đang thu xem nhiều kênh truyền hình được phát sóng từ 4 thành phố này.
Các tỉnh bị ảnh hưởng gồm Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Giang, Hà Nam, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Hòa Bình, Vĩnh Long, Hậu Giang Bình Dương, Đồng Tháp, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Kiên Giang, Đồng Nai và Long An, trong khi các tỉnh này theo lộ trình thuộc nhóm sẽ số hóa truyền hình vào giai đoạn 2 hoặc giai đoạn 3, tức là sẽ tắt sóng truyền hình vào năm 2017 hoặc năm 2018.
Với tiến độ triển khai số hóa truyền hình như hiện tại, ông Đoàn Quang Hoan, Cục trưởng Cục Tần số Vô tuyến điện cho hay, có thể lộ trình số hóa truyền hình sẽ kết thúc nhanh vào trước năm 2018, thay vì đến năm 2020 như kế hoạch ban đầu.
Theo ICT News