Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm cho rằng Đề án số hóa truyền hình là nhiệm vụ lớn của Bộ TT&TT và có nhiều đơn vị tham gia, nhưng Cục Tần số thực sự đang đóng vai trò đầu tàu góp phần làm nên thành công của đề án.
Thứ trưởng Phan Tâm: “Cục Tần số là đầu tàu triển khai thành công số hóa truyền hình”
Ngày 16/12/2016, Cục Tần số Vô tuyến điện đã tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2017. Phát biểu tại hội nghị, ông Đoàn Quang Hoan, Cục trưởng Cục Tần số Vô tuyến điện cho biết, trong năm 2016 Cục đã tham gia vào nhiều công tác quan trọng của Bộ TT&TT để tiến hành cấp phép triển khai dịch vụ 4G trên băng tần 1800MHz cho các mạng di động. Bên cạnh đó, Cục Tần số đã góp phần thực hiện Đề án số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất đạt thành công bước đầu với việc hoàn thành Giai đoạn I, tắt sóng truyền hình tương tự tại 5 thành phố trực thuộc Trung ương vào ngày 15/8/2016. Năm 2016 là năm diễn ra Đại hội Đại biểu toàn quốc lần XII của Đảng và tổ chức bầu cử Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp. Vấn đề đảm bảo an toàn, an ninh thông tin cho các cơ quan Đảng, Nhà nước trong các hội nghị lớn, các sự kiện quan trọng của Đất nước luôn được ưu tiên hàng đầu và Cục Tần số đã đóng vai trò quan trọng vào thành công này.
Ông Đoàn Quang Hoan cũng nhấn mạnh, năm 2016 Cục Tần số đã đẩy mạnh việc cấp phép điện tử. Ngoài các doanh nghiệp thông tin di động và phần lớn các viễn thông tỉnh, các đơn vị lớn trong ngành phát thanh truyền hình như: VOV, VTV, VTC, AVG đã nhận giấy phép điện tử ổn định. Năm 2016, Tổng công ty Quản lý bay Việt nam cũng chấp nhận giấy phép điện tử. Năm 2016, Cục đã thúc đẩy các đối tượng khách hàng mới sử dụng bản khai điện tử; Đã xây dựng quy trình tiếp nhận và xử lý hồ sơ điện tử và cấp tài khoản điện tử trực tuyến, cho mọi đối tượng khách hàng.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm đánh giá cao những kết quả mà Cục Tần số Vô tuyến điện đã thực hiện. Thứ trưởng cho rằng, những nỗ lực của Cục Tần số Vô tuyến điện trong thời gian qua góp phần thúc đẩy sự phát triển của di động băng rộng. Việc ứng dụng CNTT để cấp phép điện tử, tăng cường cung cấp dịch vụ công cấp độ 4, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính của Cục Tần số Vô tuyến điện cũng tăng cường quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức cá nhân sử dụng tần số vô tuyến theo hướng mà Chính phủ đang đặt ra là một chính phủ kiến tạo và phục vụ người dân.
Thứ trưởng Phan Tâm cũng nhấn mạnh, Đề án số hóa truyền hình là nhiệm vụ lớn của Bộ TT&TT và có nhiều đơn vị tham gia, nhưng Cục Tần số thực sự đang đóng vai trò đầu tàu để góp phần làm nên thành công của đề án này. Giai đoạn I của Đề án số hóa truyền hình triển khai thành công đã ảnh hưởng tích cực đến hệ thống truyền hình và đáp ứng đáng kể nhu cầu của nhân dân về thu xem truyền hình chất lượng cao. Việc phủ sóng truyền hình số tại 5 thành phố trực thuộc Trung ương và các tỉnh lân cận đã được các đơn vị, doanh nghiệp truyền dẫn, phát sóng truyền hình số mặt đất thực hiện theo đúng lộ trình. Vùng phủ sóng truyền hình số mặt đất DVB-T2 hiện nay đã đảm bảo lớn hơn hoặc bằng vùng phủ sóng truyền hình tương tự mặt đất. Vùng số hóa theo giai đoạn I đã chiếm gần 50% dân số. Tuy nhiên, giai đoạn 2 của đề án này còn nhiều khó khăn nên Cục Tần số cần nỗ lực cùng các đơn vị của Bội TT&TT thực hiện thành công.
Thứ trưởng đề nghị Cục Tần số cùng với Bộ TT&TT tiếp tục xây dựng các cơ chế chính sách để làm sao thúc đẩy thị trường viễn thông phát triển lành mạnh, bền vững, chống độc quyền trong đó có việc tích tụ tài nguyên. Bên cạnh đó, Cục Tần số cũng sớm quy hoạch tài nguyên tần số cho các thế hệ tiếp theo như 5G, đồng thời nghiên cứu quy hoạch, phân bổ trước khi giải phóng băng tần 700 MHz để cho các doanh nghiệp sớm chủ động cho chiến lược kinh doanh.
Thứ trưởng Phan Tâm trao bằng khen cho các cá nhân xuất sắc của Cục Tần số.
|
Đề cập đến công tác năm 2017, ông Đoàn Quang Hoan cho biết, Cục Tần số đã đặt ra nhiều nhiệm vụ trọng tâm để thực hiện. Năm 2017, quản lý tần số đối với di động băng rộng và các công nghệ ứng dụng cho di động băng rộng tiếp tục là vấn đề nóng tại Việt Nam. Bộ TT&TT sẽ đấu giá băng tần 2.6 GHz nhằm minh bạch hóa chính sách về quản lý tần số đối với dịch vụ, đồng thời nâng cao hiệu quả quản lý và kinh tế trong việc sử dụng tần số vô tuyến điện. Giai đoạn II của Đề án số hóa truyền hình mặt đất đang được tích cực triển khai. Theo kế hoạch, 8 tỉnh sẽ ngừng phát sóng truyền hình tương tự mặt đất từ 0 giờ ngày 30/12/2016. 15 tỉnh sẽ ngừng phát sóng truyền hình tương tự mặt đất trước ngày 1/7/2017. Trong công tác quản lý và thực thi, chú trọng bảo đảm an toàn thông tin vô tuyến điện cho các hệ thống thông tin di động, các hệ thống dẫn đường hàng không, các hệ thống phát thanh truyền hình… Vấn đề quản lý các loại thiết bị vô tuyến điện nhập khẩu không phù hợp với quy hoạch phổ tần số vô tuyến điện Việt Nam có khả năng gây can nhiễu cho các hệ thống thông tin vô tuyến tiếp tục đặt ra nhiều thách thức cho Cục Tần số.
Theo ICT NEWS