Sòng phẳng cạnh tranh thị trường OTT

Sòng phẳng cạnh tranh thị trường OTT

Nghị định 71 mới được ban hành được kỳ vọng sẽ giúp cuộc đua tại thị trường truyền hình OTT bình đẳng hơn giữa các doanh nghiệp nội và ngoại.

OTT-1

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 71 sửa đổi, bổ sung một số điều của nghị định 06 về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ phát thanh truyền hình. Với nghị định này, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thị trường truyền hình trả tiền qua ứng dụng OTT trong nước sẽ có cơ hội được cạnh tranh bình đẳng hơn với các doanh nghiệp xuyên biên giới. 

Để thấy được nhưng điều chỉnh cần thiết của Nghị định 71, chúng ta sẽ cùng nhìn một cách tổng quan về thị trường truyền hình trả tiền qua ứng dụng hay nói ngắn gọn là OTT tại Việt Nam:

– Từ 4 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ OTT vào năm 2016 thì đến nay con số này là 22, cho thấy sức hút và tiềm năng của thị trường.

– Tăng trưởng doanh thu năm 2021 so với năm 2020 đạt một con số khó tin 300% lên hơn 700 tỷ đồng. Nhưng con số này không thấm vào đâu nếu đối chiếu sang các OTT ngoại xuyên biên giới. Chỉ 5 cái tên ngoại là Netflix, WeTV, Apple TV, IQIYI, Iflix thôi đã có doanh thu cả ngàn tỷ, gấp đôi tổng doanh thu của hơn 20 doanh nghiệp nội. Trong khi đó, họ chưa hề phải thực hiện các nghĩa vụ tài chính, hành chính nào ở thị trường nước ta. Rõ ràng, đó là một cuộc chơi không công bằng và đòi hỏi Nghị định 71 phải có những điều chỉnh phù hợp.

OTT-2

Doanh thu thị trường OTT năm 2021 tăng 300% so với năm 2020

Bất cập cuộc đua truyền hình OTT trên không gian số

Công cụ nghiên cứu thị trường App Annie chỉ ra răng từ năm 2020 Netflix có 1,6 triệu người dùng. Và nếu chỉ một nửa số thuê bao Netflix chấp nhận trả gói cước thấp nhất 180.000 đồng/tháng thì ứng dụng này đã thu về hơn 1.700 tỷ đồng mỗi năm. Bên cạnh đó, nhiều nền tảng OTT xuyên biên giới như WeTV, IQIYI còn có một nguồn thu khác đó là quảng cáo. Nhưng quảng cáo này hầu hết không được kiểm duyệt thậm chí có cả các quảng cáo cờ bạc, cá độ.

“Các OTT ngoại vừa không bị kiểm duyệt nội dung, bán với mức giá thấp nên thu hút được nhiều người xem. Nếu như năm 2016, thị phần của OTT ngoại chỉ là là 10% thì nay đã lên hơn 50%”, ông Lê Đình Cường – Chánh văn phòng Hiệp hội Truyền hình trả tiền Việt Nam cho biết.

Bước vào kỷ nguyên số 4.0 thì việc phải cạnh tranh với các nền tảng xuyên biên giới là việc khó tránh khỏi nhưng cái mà các doanh nghiệp mong đợi đó là một cuộc đua sòng phẳng. Phải chi nhiều ngân sách hơn cho thuế, phí và kiểm duyệt nội dung rõ ràng khiến doanh nghiệp nội gặp khó trong việc cạnh tranh.

“Rõ ràng là có một đua giữa các nền tảng xuyên biên giới với các sản phẩm bản địa và tất nhiên là chúng ta phải đối mặt. Điều quan trọng nhất ở đây theo tôi là phải kiến tạo một sân chơi công bằng. Khi chúng ta có các quy định chặt chẽ, bảo vệ tốt hơn cho các doanh nghiệp tuân thủ pháp luật, xử lý tốt hơn vấn đề bản quyền thì doanh nghiệp trong nước mới có thể tự tin đầu tư”, ông Thomas Jayet – Tổng giám đốc Công ty K+ đánh giá.

Theo Nghị định 71 mới được ban hành, các nền tảng OTT dù là trong nước hay xuyên biên giới đều phải tuân thủ chung các quy định. Thứ nhất là phải đăng ký cấp phép hoạt động kinh doanh, tuân thủ các nghĩa vụ tài chính và quy định hành chính tại Việt Nam. Thứ hai là nội dung phải được kiểm duyệt bao gồm cả các nội dung quảng cáo tương tự như các dịch vụ truyền hình trả tiền.

Và nếu như ở khoản 1 điều 4 Nghị định 06 trước đây, phạm vi quy định chỉ bao gồm hoạt động cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền trên internet thông qua các địa chỉ web thì nay sửa đổi bổ sung thêm “ứng dụng internet”. Điều đó có nghĩa là các ứng dụng di động OTT xuyên biên giới giờ đây không thể nằm ngoài vòng pháp luật. Khung khổ pháp lý mới hiện tại là cơ sở để kiến tạo một cuộc đua bình đẳng hơn.

Cạnh tranh bình đẳng, doanh nghiệp nội sẽ có cơ hội trên nền tảng OTT

Ngay sau khi nghị định 71 được ban hành, đại diện các doanh nghiệp nền tảng OTT trong nước đều khẳng định đây sẽ tạo cuộc cạnh tranh công bằng giữa các doanh nghiệp nội và ngoại. Đồng thời, các nền tảng nội sẽ chủ động có những chiến lược mới nhằm tăng sức cạnh tranh với nền tảng ngoại.

“Chúng tôi hiểu khách hàng hơn các OTT nước ngoài và biết chính xác ở Việt Nam người ta đang nói đến câu chuyện gì, người ta đang quan tâm gì, từng lứa tuổi gì và đặc biệt là giới trẻ quan tâm điều gì để làm sao chúng tôi có nội dung phù hợp”, ông Hoàng Nam Tiến – Chủ tịch FPT Telecom cho biết.

“Chúng tôi sẽ tập trung vào xây dựng nội dung giá trị Việt, thuần Việt, giá trị Việt và mang đến cho khán giả những sản phẩm thuần Việt, đúng bản sắc dân tộc Việt hơn”, ông Huỳnh Long Thuỷ – Tổng giám đốc Công ty cổ phần VieON thông tin.

Bên cạnh việc tăng sức cạnh tranh cho các nền tảng OTT trong nước, Nghị định 71 cũng sẽ tạo ra các quy định mới cho các nền tảng OTT ngoại. Theo đó, Bộ Thông tin và Truyền thông khuyến khích các nền tảng nhất là nền tảng ngoại hoàn tất các thủ tục pháp lý. Bởi không có bất cứ sự phân biệt nào giữa các OTT trong hay ngoài nước.

2

Doanh nghiệp OTT nội tự tin với các nội dung thuần Việt (Ảnh minh hoạ)

Theo ông Lê Quốc Vinh – Chủ tịch Le Bros, chúng ta phải nhanh chóng rà soát những nền tảng nào đang thâm nhập vào Việt Nam, qua đó hướng dẫn làm đúng những thủ tục nhất định. Nếu những ai không tuân thủ các chỉ dẫn của nhà nước thì cần có những chế tài quyết liệt. 

“Nếu doanh nghiệp chưa được cấp phép, có những vi phạm nghiêm trọng thì cơ quan quản lý của Bộ sẽ sử dụng các biện pháp kỹ thuật để ngăn chặn dịch vụ”, ông Bùi Huy Cường – Phó trưởng phòng, Cục PTTH và Thông tin điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông nhấn mạnh.

Với tốc độ tăng trưởng 300%, dự báo đạt 54 tỷ USD vào năm 2026 việc quản lý hiệu quả chắc chắn không chỉ giúp kiến thị trường lành mạnh cho các OTT mà dự báo sẽ tạo ra nguồn thu đáng kể cho ngân sách.

Chia sẻ:

Quét mã để tải
SDTV app