Sáng nay (23/4), tại thành phố Đà Nẵng, Cục Tần số vô tuyến điện đã chủ trì tổ chức Hội thảo quốc tế với chủ đề “Các vấn đề về phát sóng truyền hình kỹ thuật số”.
Quang cảnh Hội thảo.
Tham dự hội thảo có đại diện các cơ quan quản lý tần số các nước thuộc khu vực ASEAN: Brunei, Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar, Thái Lan, Singapore, Philippin và Việt Nam; Ban Chính sách Truyền hình kỹ thuật số quốc tế (Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản); Cục Truyền thông và Đa phương tiện Úc; Trung tâm Nghiên cứu và phát triển của SONY Malaysia; Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Đà Nẵng; các cơ quan thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông.
Hội tụ kỹ thuật số đang tác động tích cực vào cuộc sống, nhờ cải thiện phạm vi, chất lượng dịch vụ và hiệu suất sử dụng phổ tần. Việc chuyển đổi từ truyền hình tương tự sang truyền hình số là quá trình phức hợp với các tác động xã hội và kinh tế. Do đó, các quốc gia thành viên ASEAN đã và đang phải đối mặt với nhiều thách thức khi trong quá trình triển khai chuyển đổi.
Hội thảo này tổ chức nhằm mục đích chia sẻ kiến thức chuyên môn và kinh nghiệm về quá trình chuyển đổi truyền hình kỹ thuật số cho các đài truyền hình cũng như các cơ quan quản lý phát sóng truyền hình trong khu vực ASEAN, đặc biệt là các vấn đề nâng cao nhận thức của người dân về số hóa truyền hình, quản lý chất lượng thiết bị thu truyền hình số; cùng với đó, các đại biểu sẽ thảo luận về các khía cạnh phổ tần và quản lý chất lượng phát sóng truyền hình kỹ thuật số. Đây là những vấn đề mà các nước ASEAN đều quan tâm.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm và trao đổi bên lề Hội thảo.
Tại hội thảo, các chuyên gia đến từ các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp uy tín trình bày nhiều chuyên đề quan trọng như: Quá trình chuyển đổi từ truyền hình tương tự sang truyền hình số tại Việt Nam và Thái Lan; Kinh nghiệm ngừng phát sóng truyền hình tương tự tại Nhật Bản; Kinh nghiệm triển khai số hóa truyền hình mặt đất tại Đà Nẵng; Ấn định kênh tần số và giải quyết can nhiễu trong quá trình chuyển đổi, quản lý chất lượng thiết bị thu truyền hình số, can nhiễu giữa truyền hình số mặt đất và thông tin di động trong băng tần 694-806 MHz,…
Bài trình bày của TS. Nguyễn Hoàng Cẩm – Phó Ban Chỉ đạo Số hóa truyền hình TP Đà Nẵng – Phó Giám đốc Sở TT&TT Đà Nẵng về các kinh nghiệm triển khai Số hóa truyền hình tại Đà Nẵng tại Hội thảo
Theo Đề án Số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất (sau đây gọi tắc là: Số hóa truyền hình – SHTH) của Chính phủ, Thành phố Đà Nẵng cùng với 04 thành phố trực thuộc Trung ương (Hà Nội, Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Hải Phòng) thuộc giai đoạn 1: Hoàn thành chuyển đổi sang truyền hình số mặt đất trước ngày 31/12/2015. Tuy nhiên, được sự hỗ trợ của BCĐ SHTH quốc gia và Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), ngày 01/11/2015 thành phố Đà Nẵng đã chấm dứt hoàn toàn quá trình truyền hình tương tự chuyển sang phát truyền hình số. Kết quả này làm cho người dân thành phố – nhất là khu vực nông thôn, miền núi rất phấn khởi, vì nó mang lại nhiều tiện ích cho người dân: đó là thu/ xem được nhiều kênh chương trình hơn, chất lượng tốt hơn so với truyền hình tương tự.
Với kết quả này, Đà Nẵng là địa phương đầu tiên của Việt Nam hoàn thành số hóa truyền hình mặt đất trước thời hạn 02 tháng so với lộ trình của Chính phủ giao và được đánh giá là Thành phố đầu tiên của Asian hoàn thành việc chuyển đổi này.
II. MỘT SỐ GIẢI PHÁP THỰC HIỆN
Để triển khai Đề án SHTH của Chính phủ và Hướng dẫn của Bộ TT&TT, Đà Nẵng đã thành lập Ban Chỉ đạo Số hóa truyền hình địa phương và chỉ đạo triển khai một cách quyết liệt, đồng bộ các giải pháp sau đây:
1. Ban hành các cơ chế, biện pháp để chỉ đạo triển khai thực hiện Đề án:
Để hiện thực hóa quyết tâm của Lãnh đạo Thành phố, Ban Chỉ đạo SHTH Đà Nẵng đã tham mưu, giúp UBND thành phố ban hành Đề án Số hóa truyền hình thành phố Đà Nẵng, Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án, Kế hoạch thông tin, tuyên truyền và các văn bản có liên quan khác.
Các văn bản trên đã tạo ra hướng đi và lộ trình hợp lý, để có được sự phối hợp theo trách nhiệm cụ thể của các cơ quan, các địa phương trong việc triển khai Đề án.
2. Đầu tư củng cố hạ tầng và bố trí hợp lý nguồn nhân lực:
Ngay sau khi được thành lập, Ban Chỉ đạo SHTH Đà Nẵng đã tiến hành khảo sát thực tế và đánh giá toàn diện các hệ thống truyền dẫn, phát sóng truyền hình số mặt đất đang hiện hữu trên địa bàn Đà Nẵng; đối chiếu yêu cầu, nhiệm vụ SHTH của Thành phố trên cơ sở đó tham mưu cho UBND thành phố và bàn bạc, thống nhất với Đài Truyền hình địa phương:
– Quyết định chọn đơn vị làm nhiệm vụ truyền dẫn, phát sóng truyền hình số mặt đất cho Thành phố.
– Tổ chức, sắp xếp lại bộ phận quản lý hệ thống truyền dẫn, phát sóng (tương tự) hiện có để phù hợp khi chuyển qua phát truyền hình số mặt đất
– Cho phép Đài truyền hình địa phương đầu tư trang thiết bị số nhằm bảo đảm việc sản xuất các chương trình truyền hình số chất lượng cao (Camera, Video, Audio, xe thu phát sóng lưu động, hệ thống tiền kỳ, hê thống sản xuất chương trình HD), ….
– Đề xuất với Bộ TT&TT chỉ đạo đơn vị được chọn làm nhiệm vụ truyền dẫn, phát sóng truyền hình số mặt đất đầu tư bổ sung thêm một số trạm phát lại tại các vùng lõm sóng truyền hình.
Việc chọn lựa đơn vị làm nhiệm vụ truyền dẫn, phát sóng đủ năng lực và trách nhiệm cùng việc sắp xếp, phân bố nguồn lực và đầu tư, bổ sung hạ tầng, thiết bị phát sóng cũng như sản xuất chương trình truyền hình số giúp cho quá trình chuyển đổi truyền hình tương tự sang truyền hình số mặt đất một cách thuận tiện và hoàn hảo.
3. Thực hiện tốt công tác truyền thông:
Ban Chỉ đạo SHTH Đà Nẵng đã triển khai nhiều hình thức tuyên truyền, hướng dẫn để người dân hiểu mục đích, ý nghĩa của Đề án, sẵn sàng và tự nguyện chuyển đổi sang thu xem truyền hình số. Mặt khác, người dân nhận biết và có cách tránh mua đầu thu số (STB) không hợp chuẩn, không bảo đảm chất lượng.
Để tạo nhanh sự lan tỏa trong nhân dân, việc tuyên truyền được bắt đầu từ cán bộ cơ sở cấp xã/ phường và quận/ huyện: Tổ chức tập huấn cho toàn bộ cán bộ Phòng Văn hóa – Thông tin và Đài Truyền thanh; Thiết kế và in gần 20.000 tờ rơi với hình thức và nội dung khá ấn tượng về SHTH chuyển đến tận tay các Trưởng thôn và Tổ trưởng Tổ dân phố; Chỉ đạo các cơ quan thông tấn tại địa phương phát thường xuyên các mẫu tin trên đài truyền thanh, truyền hình và báo chí; ngoài ra, hình thức tuyên truyền bằng tin nhắn SMS đến các máy điện thoại và treo băng-rôn để gây sự chú ý cho người dân cũng được thực hiện khi đến gần thời điểm cắt sóng.
Đặc biệt, từ tháng 9/2014 Đà Nẵng đã thiết lập tổng đài giải đáp, hỗ trợ về số hóa truyền hình để: cung cấp thông tin về lợi ích chuyển đổi sang truyền hình số mặt đất, lộ trình triển khai, đối tượng ảnh hưởng, chính sách hỗ trợ của nhà nước, vùng phủ sóng, các kênh chương trình, loại tivi và đầu thu hợp chuẩn, hướng dẫn lắp đặt và thu xem được các kênh truyền hình số. Thông qua kênh thông tin này, BCĐ SHTH cũng tiếp nhận những thông tin phản ánh, góp ý về chất lượng sóng, STB, … để kịp thời khắc phục và hỗ trợ người dân xử lý.
Nhờ thực hiện tốt công tác truyền thông, chỉ sau một thời gian ngắn các hộ dân đã tự trang bị đầu thu truyền hình số mặt đất (Theo số liệu điều tra vào tháng 03/2015 tại thành phố có 18.140 hộ cần được hỗ trợ đầu thu số. Đến tháng 10/2015 số lượng chính thức cần hỗ trợ chỉ còn 5.788 hộ (khoảng 32%). Hơn nữa, việc chuyển đổi truyền hình tương tự – số tại Đà Nẵng rất thành công và không có khiếu kiện, phản ánh nào.
4. Mở rộng vùng phủ sóng đi đôi với việc nâng cao chất lượng phát truyền hình số; kiểm soát chất lượng thiết bị truyền số DVB-T2:
Từ cuối năm 2014, Đà Nẵng đã triển khai phát các kênh chương trình của địa phương dưới dạng số mặt đất (phát song song với tượng tự); đồng thời các đài truyền hình Trung ương, toàn quốc (VTV, VTC, AVG) cũng phát nhều kênh chương trình số mặt đất trên địa bàn để thử nghiệm, đánh giá so sánh với chất lượng tín hiệu hệ thống tương tự.
Trên cơ sở phát sóng thử nghiệm, Đà Nẵng đã phối với các cơ quan/ đơn vị chuyên ngành để tổ chức 02 đợt khảo sát, đo đạc thực tế tại 158 điểm nhằm đánh giá chất lượng.
Dựa vào kết quả này, đơn vị làm nhiệm vụ truyền dẫn, phát sóng đã cân chỉnh ăng-ten, tối ưu hóa các hệ thống phát số; đặc biệt, đãbổ sung thêm 02 trạm phát lặp tại các khu vực vị núi đồi che khuất là xã Hòa Bắc và xã Hòa Sơn thuộc huyện Hòa Vang.
Đồng thời với việc tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông đại chúng, Đà Nẵng đã tổ chức nhiều đợt kiểm tra việc thực hiện các quy định về hợp quy, hợp chuẩn; nhãn hàng hoá và Biểu trưng số hóa truyền hình đối với tivi, đầu thu truyền hình số mặt đất để hạn chế tối đa người dân mua phải thiết bị đầu cuối (tivi, STB) kém chất lượng hoặc không phù hợp.
Việc mở rộng vùng phủ sóng đi đôi với việc nâng cao chất lượng phát truyền hình số; kiểm soát chất lượng thiết bị truyền số theo chuẩn DVB-T2, chất lượng tín hiệu và vùng phủ sóng truyền hình số tại Đà Nẵng bảo đảm khá tốt, thuận lợi cho quá trình chuyển đổi truyền hình tương tự sang truyền hình số. Mặt khác, thiết bị thu xem truyền hình số mặt đất theo chuẩn DVB-T2 trên thị trường Đà Nẵng bảo đảm về số lượng, chất lượng phục vụ tốt nhu cầu người dân trong quá trình chuyển đổi.
5. Hỗ trợ, lắp đặt đầu thu cho các hộ được hỗ trợ đúng đối tượng và thời gian:
Ngoài các hộ nghèo, cận nghèo theo chuẩn Trung ương được hỗ trợ đầu thu STB theo nguồn ngân sách Trung ương, Đà Nẵng đã quyết định hỗ trợ đầu thu (STB) cho 5043 hộ nghèo theo chuẩn Đà Nẵng, hộ đặc biệt nghèo không còn sức lao động, hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở xa trung tâm thành phố bằng ngân sách địa phương, để giúp người dân tiếp cận thông tin, nâng cao đời văn hóa, tinh thần.
Đặc biệt, chỉ trong thời gian 01 tháng, Đà Nẵng đã hoàn thành triển khai hỗ trợ đầu thu cho hộ dân nghèo, từ việc mời thầu, chấm thầu đến tổ chức lắp đặt tại hộ dân. Việc tổ chức mua sắm hỗ trợ, lắp đầu thu cho hộ dân được tổ chức rất bài bản, có giám sát chặt chẽ nên không có trường hợp vướng mắc, khiếu kiện xảy ra. Đấu thầu mua sắm công khai, minh bạch đã chọn được đầu thu chất lượng tốt, giá thiết bị thấp.
III. MỘT SỐ BÀI HỌC KINH NGHIỆM
Đà Nẵng là địa phương thực hiện thí điểm và đã triển khai, hoàn thành Đề án SHTH với kết quả hơn mong đợt; đã giúp cho người dân tiếp cận được nhiều kênh chương trình truyền hình hơn và chất lượng tốt hơn trước khi chuyển đổi. Từ thực tế triển khai, chúng tôi rút ra một số king nghiệm như sau:
Một là, kịp thời ban hành văn bản nhằm tạo sự đồng thuận để nhất quán trong điều hành và sự phối hợp rất trách nhiệm của các cơ quan hữu quan;
Hai là, tổ chức tốt công tác truyền thông đến mọi tầng lớp nhân dân – nhất là cán bộ cơ sở (Trưởng thôn/ Tổ trưởng dân phố). Phải thiết lập một công cụ thu thập và giải đáp thông tin gồm Tổng đài và một đội ngũ nhân viên được huấn luyện kỷ để giải đáp, hỗ trợ người dân cả trước và sau thời gian cắt sóng tương tự. Đây cũng là kênh thông tin giúp Ban Chỉ đạo ra quyết định.
Ba là, bảo đảm hạ tầng và thiết bị truyền dẫn, phát sóng truyền hình số thật tốt và sẵn sàng với chất lượng tín hiệu và vùng phủ rộng khắp; thường xuyên tổ chức kiểm tra, kiểm soát chất lượng thiết bị thu xem trên thị trường. Nghiên cứu sắp xếp, bố trí lại lực lượng lao động dôi dư (chẳng hạn, đội ngũ tại các trạm phát sóng) sau khi số hóa.
Bốn là, thực hiện việc mua sắm, lắp đặt hỗ trợ đầu thu một cách bài bản, minh bạch; có sự giám sát chặc chẽ. Nhà thầu cung cấp STB phải có cơ sở tại ngay địa phương và phải cam kết (bằng văn bản) bảo hành ít nhất là 01 năm từ khi STB được lắp đặt và đưa vào sử dụng./.